Trang chủ / Thương mại / Thương mại điện tử / Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

2
In bài viết Chia sẻ:

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp cận quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Địa phương này thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, vận chuyển, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kết nối giao thương, xúc tiến ứng dụng thương mại điện tử.

Bán hàng trên nền tảng số

Những buổi livestream trở nên quen thuộc với đội ngũ bán hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn PTK 879 (huyện Tiên Du). Chỉ trong khoảng 15 phút livestream, sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK thu hút hàng trăm lượt khách theo dõi và đặt hàng.

Hình ảnh sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK trên Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ảnh chụp màn hình).
Hình ảnh sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK trên Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ảnh chụp màn hình).

Bà Nguyễn Thị Huyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn PTK 879 chia sẻ, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, khâu quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Nhờ vậy, sản phẩm của công ty không chỉ có mặt tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Bà Huyên khẳng định, nhờ công nghệ số chỉ cần ngồi ở một vị trí có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng trong nước và trên thế giới, không bó hẹp ở phạm vi nào. Cũng nhờ công nghệ số, khách hàng không phải di chuyển, chỉ cần một click chuột là sản phẩm được giao tận nhà. Theo phương pháp truyền thống, một năm doanh nghiệp có thể tiếp cận hàng nghìn khách hàng. Theo công nghệ 4.0, trong một tuần, doanh nghiệp có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng.

Sản phẩm nem sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Chế biến thực phẩm nem 99 Kinh Bắc ra đời từ năm 2018. Nhờ công nghệ bán hàng trên nền tảng số, đến nay, thương hiệu nem 99 của công ty được “phủ sóng” khắp cả nước.

Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Chế biến thực phẩm nem 99 Kinh Bắc cho biết, theo cách truyền thống rất khó tiếp cận khách hàng ở xa, sàn thương mại điện tử đã khắc phục được điều đó. Nhờ đó, hoạt động quảng bá sản phẩm sẽ không còn bị bó hẹp trong một không gian địa lý nhất định, dễ dàng tiếp cận khách hàng ở mọi miền. Đây là cơ hội tốt để các sản phẩm được lên sàn thương mại, quảng bá sản vật địa phương.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 93 sản phẩm OCOP, 32 nhãn hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm từng bước được sản xuất theo quy trình an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, có nhiều tiềm năng phát triển qua thương mại điện tử.

Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn đều sử dụng internet, thư điện tử trong giao dịch với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đăng ký website thực hiện dịch vụ thương mại điện tử; tham gia cung ứng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân trên internet. Một số doanh nghiệp xây dựng kênh quảng bá sản phẩm trên trang thương mại điện tử quốc tế để mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với đối tác nước ngoài.

Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (www.ecombacninh.vn) đăng thông tin quảng bá, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm, dịch vụ của gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh, giúp các đơn vị có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm và doanh thu.

Phấn đầu dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (www.ecombacninh.vn) đăng thông tin quảng bá, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm, dịch vụ của gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (ảnh chụp màn hình).
Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (www.ecombacninh.vn) đăng thông tin quảng bá, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm, dịch vụ của gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (ảnh chụp màn hình).

Bắc Ninh có nhiều dấu ấn hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh và hợp tác quốc tế, đóng góp cho nền kinh tế số, đưa địa phương nhanh chóng trở thành tỉnh có quy mô công nghiệp đứng đầu cả nước, trong đó, có hoạt động thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng nhấn mạnh, thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo đơn vị liên quan đề xuất mô hình quản lý Nhà nước, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý hoạt động về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; tham mưu nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đáp ứng dự báo tăng trưởng của thương mại điện tử. Đồng thời, triển khai công cụ xác thực thông tin, xác thực chất lượng sản phẩm trên môi trường mạng, bảo vệ quyền lợi của người mua hàng.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Dung cho biết, tỉnh triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử trên địa bàn và đạt được những thành tựu tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Bắc Ninh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, đảm bảo việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phù hợp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Do đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm phát triển thương mại điện tử trên địa bàn; tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển sản phẩm của tỉnh trên nền tảng thương mại điện tử.

Tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị liên quan đến ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung – cầu sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của tỉnh với thị trường trong nước và quốc tế. Địa phương tiến hành các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, phát triển kinh tế số. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, chuyên gia, đại diện sàn thương mại điện tử và các nền tảng Lazada, TikTok tích cực tham gia.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Đỗ Huyền

Nguồn Tin: Báo tin tức

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.