Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
- Ban hành thể lệ Cuộc thi sáng tạo bao bì, nhãn hàng hoá, giỏ quà và câu chuyện sản phẩm OCOP
- Doanh nghiệp Việt – Trung ký kết nhiều văn bản hợp tác xúc tiến nông sản
- Đề xuất bãi bỏ 6 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục
- Bộ Công Thương ban hành Thông tư về danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn
Luật Đất đai có nhiều quy định mới
Ngày 7/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 19 luật, nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng.
Nêu những điểm mới, nội dung trọng tâm của Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là: Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư. Không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai. Có quy định cụ thể về việc không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định pháp luật khác có liên quan.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất theo hướng xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp song vẫn bảo đảm đồng bộ với pháp luật về quy hoạch; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất.
Thứ tư, quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ Hiến pháp; trong đó, quy định rõ 31 trường hợp cụ thể.
Thứ năm, hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thứ sáu, Luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Thứ bảy, hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai. Bổ sung, hoàn thiện quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Thứ tám, hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển. Quy định rõ ràng hơn về tập trung đất nông nghiệp; tích tụ đất nông nghiệp; chuyển nhượng đất nông nghiệp. Bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích…
Thứ chín, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương.
Giải pháp nào để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống?
Đối với việc triển khai Luật Đất đai, ông Định đề nghị khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về các nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trong quá trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số nội dung tại Báo cáo số 678/BC-UBTVQH15 ngày 2/11/2023 và Báo cáo số 724/BC-UBTVQH15 ngày 14/1/2024.
Đồng thời, khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 08 luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật Đất đai năm 2024 (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).
Báo cáo công tác giám sát việc triển khai đối với một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về công tác giám sát việc triển khai Luật Đất đai thì Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành.
Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, theo ông Thanh, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.
Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung sau: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về quỹ phát triển đất; Quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Quy định về giá đất; Quy định chi tiết về đất trồng lúa; Quy định về lấn biển; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, tập trung vào sự phù hợp của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn với Luật về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành bảo đảm các Nghị định, thông tư phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2024; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống pháp luật.
Trong khi đó, báo cáo về công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ông Ngân cũng cho biết, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.