Từ được thực hiện Quyết định 675/TTg, ngày 18-9-1996, về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, và Quyết định 53/2001/QĐ-TTg, ngày 19-4-2001, về chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu biên giới mà Móng Cái có được bước phát triển như hôm nay. Vì thế, với quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, nhân dân Quảng Ninh hy vọng sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp để TP Móng Cái và huyện Hải Hà phát triển đột phá.
Cùng với tin vui trên, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến dư luận đề cập tới hiệu quả của dịch vụ tạm nhập tái xuất trên phạm vi cả nước. Đã có những ý kiến cho rằng khi chúng ta không quản lý tốt được thì dịch vụ này sẽ “lợi bất cập hại”. Riêng với Quảng Ninh, dịch vụ tạm nhập tái xuất có ý nghĩa lớn về kinh tế – xã hội. Có thể nói, thành công của phát triển kinh tế Quảng Ninh không thể không tính đến hiệu quả công tác xuất nhập khẩu, trong đó có dịch vụ tạm nhập tái xuất.
Được biết, sáng 14-4, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác liên Bộ về công tác xuất nhập khẩu, do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên làm Trưởng đoàn. Trước đó, 13-4, Đoàn công tác liên Bộ đã khảo sát thực tế công tác này tại TP Móng Cái.
Phát biểu tham dự buổi làm việc nói trên, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhấn mạnh: Để hoạt động này phát triển ổn định thì cả hệ thống chính quyền cần vào cuộc để giải quyết tốt các mặt trái của vấn đề… Có như vậy thì hoạt động thương mại biên giới nói chung và hoạt động tạm nhập tái xuất nói riêng mới phát huy hiệu quả và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan để các đại biểu cùng luận bàn làm rõ. Qua đó, đại diện các Bộ, ngành đều nhất trí cho rằng việc phát triển loại hình này đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế – xã hội, đặc biệt là những xã nghèo vùng biên giới các tỉnh phía Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Do vậy, cần phải duy trì và phát huy loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, để hạn chế mặt trái của vấn đề, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất giải pháp quản lý từng vấn đề cụ thể như thể chế quản lý nhằm đảm bảo tốt việc thanh khoản, thu ngân sách, chống thẩm lậu, chống ô nhiễm môi trường…
Từ bàn luận trên, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm: Cần khắc phục mặt trái của hoạt động, chứ không vì mặt trái này mà loại bỏ một hoạt động có hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.