Một cách tự nhiên, châu Á đã trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
“Tôi thích mua quần áo qua mạng vì không bao giờ bị các nhân viên bán hàng quấy rầy”, Cecelia Wang, một sinh viên 23 tuổi tại Đài Bắc tâm sự.
Mỗi tháng, Wang chi khoảng 1.500 Đài tệ (44 USD) cho việc sắm sửa trên Internet. “Với Internet, tất cả những gì tôi cần làm chỉ là ngồi vào bàn và mua. Điều đó thật tuyệt”.
Khái niệm “Bán lẻ qua mạng” ngày càng phổ biến tại châu Á do cơ sở hạ tầng viễn thông đã được cải tiến đáng kể. Các hình thức thanh toán – một trở ngại quan trọng trong thương mại điện tử – cũng đã trở nên an toàn, bảo mật hơn.
Những nhân tố này khiến cho người dùng bớt rụt rè và trở nên “mặn mà” với thế giới mua sắm rộng lớn của mạng World Wide Web.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phổ cập Internet tại các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tăng dần theo thời gian. Giới phân tích dự đoán, doanh thu từ bán hàng qua mạng có thể tăng trung bình tới 20% mỗi năm.
Tại một số thị trường đặc biệt như Nhật, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể lên tới 40%.
Ưu thế hơn
“Cơ hội cho các nhà bán lẻ tại châu Á – Thái Bình Dương là cực kỳ khổng lồ. Kinh doanh qua mạng sẽ giúp họ tiết kiệm được nhiều chi phí mà vẫn đạt tới lợi nhuận kỳ vọng”, chuyên gia Sandra Hanchard của hãng nghiên cứu Hitwise bình luận.
“Lướt Net hiện đã là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngày càng nhiều hãng bán lẻ nhận ra đây chính là cơ hội kết nối trực tiếp với người tiêu dùng”.
Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến cả hai kênh bán hàng truyền thống lẫn online, song giới phân tích tin rằng triển vọng của thương mại điện tử vẫn rất đáng khích lệ.
Tình hình tài chính càng khó khăn thì người dùng càng săn lùng những chương trình khuyến mãi hời trên mạng. Họ cũng sẽ tận dụng những buổi đấu giá trực tuyến và những website cho thuê đồ (kiểu như http://www.thatbagiwant.com).
Mà so với các cửa hàng bán lẻ trên phố, các website có điều kiện để giảm giá, khuyến mãi mạnh tay hơn nhiều. Riêng việc không phải bỏ tiền thuê địa điểm hàng tháng đã giúp họ tiết kiệm được một khoản lớn.
Khác với người dân châu Âu, người dùng châu Á lên mạng để mua tất cả mọi thứ, từ hoa tươi cho đến đồ nội thất đắt tiền, từ vé máy bay cho tới iPod.
Những tựa game trực tuyến như mahjong cũng đang hút khách tại Đài Loan, trong khi ở Hồng Kông và Úc, người dùng thích nhất mua sắm ở các website nước ngoài.
Viên ngọc quý
Theo thống kê, Amazon.com và eBay là hai website đông khách bậc nhất tại châu Á. Riêng ở Trung Quốc, trang web Alibaba.com mới là sự lựa chọn số một khi nói tới thương mại điện tử.
Trên eBay Ấn Độ (trang web thu hút tới hơn 2 triệu người dùng đăng ký), “những mặt hàng được mua nhiều nhất trong năm 2008 bao gồm đá quý, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, quần áo nữ, tem và tiền xu”, đại diện hãng cho biết.
Doanh thu của eBay cho thấy: bất chấp tỷ lệ phổ cập Internet còn khá thấp, Ấn Độ vẫn là quốc gia đón nhận mua sắm trực tuyến một cách nồng nhiệt.
“Trước đây, người ta chỉ mua những món đồ rẻ tiền, vừa phải. Nhưng giờ đây, họ không ngần ngại mua cả những mặt hàng đắt tiền, cao cấp. Điều này chứng tỏ niềm tin nơi mua sắm online đã ngày càng được củng cố”.
Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International dự đoán, doanh thu bán lẻ qua mạng Internet tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt, thậm chí vượt qua cột mốc 71 tỷ USD vào năm 2012, tăng gần gấp đôi so với năm 2007.
Tuy nhiên, châu Á vẫn thua xa Mỹ, nơi số tiền mà người dân chi cho thương mại điện tử trong năm 2009 dự kiến sẽ đạt 156 tỷ USD. Tại quốc gia bị suy thoái nặng nề nhất, công việc làm ăn của những hãng bán lẻ như Best Buy hay Macy’s vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Vẫn còn điểm yếu
Chuyên gia Hanchard cho rằng: sở dĩ bán lẻ online tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương khá chậm so với Mỹ và châu Âu, một phần là vì các hãng không chịu đầu tư mạnh tay cho kênh online của mình.
Ông hy vọng những thống kê mới nhất sẽ khuyến khích các hãng bán lẻ ưu ái hơn kênh phân phối trực tuyến.
“Chúng tôi biết chứ, sở thích mua sắm qua mạng của người dùng đang tăng lên từng ngày. Rất nhiều người eo hẹp về thời gian đã tìm thấy Internet như một vị cứu tinh”, RR Australia chia sẻ. Đây là hãng sở hữu website cho thuê đồ điện gia dụng lớn nhất nước Úc.
Điều thú vị hơn là doanh thu bán hàng qua mạng lại đang tăng mạnh ở những thị trường phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Đây cũng là những thị trường sở hữu dịch vụ viễn thông hiệu quả nhất và có tỷ lệ phổ cập băng thông rộng cao bậc nhất thế giới.
Lấy thí dụ, tại Đài Loan, các vụ giao dịch qua mạng đã tăng 32,3% lên mức 7,1 tỷ USD hồi năm ngoái. Hầu hết người dùng đã mua quần áo, trang sức, mỹ phẩm làm đẹp và sản phẩm chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, không phải là thương mại điện tử không có những hạn chế của nó.
“Thứ cuối cùng mà tôi mua là một chiếc đồng hồ. Và phải mất gần 3 tháng, họ mới chuyển được hàng cho tôi”, cô Annabelle Aw, một chuyên gia tổ chức sự kiện 30 tuổi người Singapore than phiền.