Trang chủ / Tin tức / Khoa học công nghệ – “Chìa khóa” nâng cao chất lượng sản phẩm

Khoa học công nghệ – “Chìa khóa” nâng cao chất lượng sản phẩm

10
In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Tin tức

Thời gian qua, việc áp dụng đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh được các doanh nghiệp tích cực thực hiện với nhiều giải pháp và mô hình hiệu quả. Qua đó, giúp gia tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững trong thời kỳ hội nhập.

TX Đông Triều đưa thiết bị bay không người lái vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu.
TX Đông Triều đưa thiết bị bay không người lái vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu.

Hiện đại quy trình sản xuất

Những năm qua, TX Đông Triều tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng chất lượng, tạo thương hiệu từ sản phẩm địa phương; đẩy mạnh vận dụng các chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho hoạt động KHCN của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động bố trí nguồn kinh phí, kết nối, làm việc với các viện nghiên cứu trong nước để tìm kiếm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với lĩnh vực kinh doanh.

Với sự đầu tư bài bản cho KHCN, các sản phẩm của Công ty CP Sữa An Sinh (TX Đông Triều) ngày càng khẳng định chất lượng sản phẩm và thúc đẩy được thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ông Ngô Quang Linh, Giám đốc Công ty CP Sữa An Sinh (TX Đông Triều) cho biết: Để nâng cao năng lực sản xuất, Công ty mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại như chiết rót đóng chai, máy đun sữa, máy đóng gói bánh, máy in phun bao bì… Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như sữa tươi thanh trùng, sữa chua,… hiện Công ty nghiên cứu, chế biến thành công nhiều sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu thị trường, như sữa chua uống các vị, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu đường đen, trà sữa, bánh sữa… Công ty cũng đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình “5S” vào sản xuất để thiết lập quy chuẩn làm việc được khoa học, an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Hiện mỗi ngày, Công ty cung ứng đưa ra thị trường khoảng 1 tấn hàng hóa các loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Áp dụng KHCN trong sản xuất, chế biến sữa tại Công ty CP sữa An Sinh (TX Đông Triều).
Áp dụng KHCN trong sản xuất, chế biến sữa tại Công ty CP sữa An Sinh (TX Đông Triều).

Để thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, TX Đông Triều cũng đẩy mạnh phối hợp triển khai và thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, xây dựng, môi trường… Tiêu biểu như nhiệm vụ “Ứng dụng KHCN, xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống hoa lay ơn CF.21.09” đã được triển khai ở các hộ dân trồng hoa xã Bình Khê và cho kết quả khả quan. Dự kiến tháng 9/2024, thị xã đưa kết quả của nhiệm vụ triển khai rộng khắp tới các hộ trồng hoa trên địa bàn. Hiện thị xã đã phát triển được 5 doanh nghiệp KHCN, gồm: Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty TNHH Long Hải, Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, Công ty CP Gốm Đất Việt. Lộ trình, thị xã phối hợp cùng Sở KH&CN lựa chọn 13 doanh nghiệp để tiến hành khảo sát, hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp KHCN.

Cùng với Đông Triều, huyện Hải Hà cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa KHCN vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cho nông sản địa phương. Có thể kể tới như trong việc phát triển cây chè, là một trong những sản phẩm đặc trưng của Hải Hà mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Để phát triển thương hiệu chè Hải Hà, xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, huyện Hải Hà đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí giúp người trồng, chế biến chè, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, trọng tâm là việc hỗ trợ trồng mới, trồng thay thế và mở rộng diện tích trồng chè mới; hỗ trợ máy móc, nâng cấp xưởng chế biến và lắp đặt các dây chuyền chế biến tiên tiến cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp; hướng dẫn người dân trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân vi sinh cho các hộ dân, hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện cấp chứng nhận VietGAP cho tổ sản xuất chè an toàn; hỗ trợ hoàn thiện bao bì, mã số, mã vạch, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè… Nhờ ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất, hiện mỗi năm Hải Hà sản xuất hơn 1.000 tấn chè khô để cung ứng ra các thị trường trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được huyện tập trung triển khai tích cực nhằm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất theo hướng KHCN mới. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, tạo được liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng KHCN vào các hoạt động sản xuất; tăng cường việc phối hợp, hỗ trợ máy móc cho người dân, hộ kinh doanh, HTX qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Sản xuất nước mắm bằng dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH MTV Newstar (huyện Vân Đồn).
Sản xuất nước mắm bằng dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH MTV Newstar (huyện Vân Đồn).

Hiện nay toàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, HTX áp dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với các tổ chức KHCN, nhà khoa học, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cao, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường, như: Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh; Công ty TNHH Long Hải; Công ty TNHH MTV Khoa học và Công nghệ cơ khí Trí Đạt; Công ty CP Green Aquatech; Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh; Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam…

Thêm động lực phát triển 

Việc đưa KHCN vào sản xuất là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực bền vững cho phát triển KT-XH trong quá trình hội nhập kinh tế. Đến nay, Quảng Ninh đã thành lập được 25 doanh nghiệp KH&CN và đang nằm trong nhóm các tỉnh thành có số lượng dẫn đầu toàn quốc; có 33 tổ chức khoa học và công nghệ; 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS; nhân lực KHCN tăng lên cả về số lượng và chất lượng với hơn 3.000 người, trong đó nhân lực có bằng đại học trở lên chiếm hơn 50%.

Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy thăng hoa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy thăng hoa nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, việc ứng dụng KHCN vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được Sở KH&CN chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp rà soát, đánh giá, xác định những cơ hội, tiềm năng, cũng như những thách thức để lựa chọn những giải pháp căn cơ và ưu tiên nguồn lực triển khai. Sở tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tham mưu triển khai lập quy hoạch lĩnh vực KH&CN tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh khuyến khích phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh…

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Để thúc đẩy hoạt động KHCN phát triển mang lại lợi ích trong các nhiệm vụ phát triển KT-XH, sở đã xây dựng, trình UBND tỉnh một số đề án, kế hoạch, chương trình về KHCN; mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thành tựu của KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học… vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện, khai khoáng, du lịch, thương mại, logistics, tài chính, nông nghiệp, kinh tế biển, cảng biển, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường, chính quyền số… để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh.

Cuối tháng 5/2024, tỉnh đã tổ chức khai trương Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số tỉnh. Trung tâm có chức năng tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực KHCN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, liên kết với các vườn ươm trong và ngoài tỉnh để thực hiện ươm tạo dự án khởi nghiệp… Việc đưa vào vận hành Trung tâm góp phần thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo KHCN mới để ứng dụng vào sản xuất, tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở ứng dựng KHCN.

Công ty TNHH Chè Hằng Nga (TP Hạ Long) đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất.
Công ty TNHH Chè Hằng Nga (TP Hạ Long) đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất.

Tới nay KHCN đã góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt trên 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020. Tỷ lệ đóng góp chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 đạt 45,8%, riêng năm 2023 đạt 50,01%. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Với quyết tâm đưa KHCN là động lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, tại buổi làm việc với Sở KH&CN cùng các ngành liên quan về tình hình, kết quả triển khai hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2012-2024 vào tháng 6 vừa qua, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ. Sở KH&CN tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh về các kế hoạch triển khai, ứng dụng đổi mới KHCN vào nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với Chương trình hành động số 2163/CTr-UBND (ngày 9/8/2023) của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục tham mưu để ban hành đề án về mô hình, phương thức hoạt động hiệu quả cho Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Minh Đức

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.