Húc Động là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Liêu. Đường giao thông đi lại giao thương của xã vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Húc Động lại có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để phát triển nông, lâm nghiệp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồi, quế, sở v.v.. và đặc biệt là cây dong riềng.
- Sản phẩm OCOP sẵn sàng phục vụ thị trường Tết
- OCOP Quảng Ninh: Đột Phá Thị Trường Nhờ “Cú Hích” Xúc Tiến và Giám Sát Chất Lượng
- Mời tham gia gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại Chợ Tết công đoàn Giáp Thìn 2024
- Quảng Ninh: Tổ chức thi sáng tạo bao bì, nhãn hàng hoá, giỏ quà và câu chuyện sản phẩm OCOP
Trong những năm gần đây, dong riềng đã trở thành cây có thế mạnh trên địa bàn, tạo nguồn nguyên liệu để chế biến miến dong, phát triển nghề thủ công truyền thống, xây dựng thương hiệu miến dong Bình Liêu, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã.
Ông Nình Văn Phúc, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã, cho biết: Trước kia, bà con không có thu nhập gì khác ngoài làm ruộng. Gần đây, nghề miến dong truyền thống phát triển đang đem lại sự khởi sắc từng ngày cho bà con. Hiện toàn xã có 3 xưởng chế biến miến dong lớn, còn lại bà con đều làm miến nhỏ lẻ, thủ công. Phải đến trên 80% số hộ trong xã trồng cây dong riềng làm miến. Hiện nay, xã nhà có khoảng 75ha đất trồng dong. Sản lượng dong củ khoảng 40 tấn/ha. Húc Động cũng là xã cung ứng hơn 1/3 sản lượng miến của toàn huyện. Năm 2014, toàn xã thu hoạch được trên 300 tấn củ dong, xuất ra thị trường gần 80 tấn miến khô, với giá bán tại chỗ từ 70.000-75.000 đồng/kg. Ở Húc Động các cơ sở sản xuất miến dong được đầu tư máy móc tương đối lớn đã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Nhờ quy trình này, sản phẩm miến dong của Húc Động nói riêng, Bình Liêu nói chung đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh trong nước, ngày càng tạo được uy tín với người tiêu dùng. Sở dĩ người tiêu dùng tin chọn miến dong Bình Liêu vì miến được chế biến hoàn toàn từ tinh bột nguyên chất của củ dong riềng, không sử dụng hoá chất trong chế biến. Miến lại có những đặc tính riêng biệt, khó lẫn; tuy màu sợi miến hơi xanh, không có được sắc vàng bóng bẩy, bắt mắt như các loại miến khác, nhưng bù lại, nó có mùi thơm đặc trưng, không bị chua, có độ dai nhưng sợi miến nhỏ khi nấu lên lại rất mềm. Đặc biệt miến dong Bình Liêu không bị dính, không bị nát ngay cả khi nấu đi nấu lại…
Sản phẩm miến dong Bình Liêu giờ đây đã được xây dựng logo, nhãn mác theo mẫu chung trong toàn huyện. Mỗi cân miến được đóng gói trong những bao bì bắt mắt, với thông tin cụ thể về dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng và chỉ dẫn địa chỉ sản xuất. Hiện sản phẩm này đã được xã Húc Động đăng ký triển khai trong chương trình “Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” của địa phương.
Hiện nay, thương hiệu miến dong đang mở rộng nhưng diện tích trồng dong riềng thì lại đang có xu hướng thu hẹp. Ông Phúc bảo nghe vậy nhưng đừng lấy đó làm buồn, đừng vội lo. Ông Phúc giải thích: Dong riềng đã được trồng theo quy hoạch chứ không còn tràn lan nữa. Và mặc dù diện tích giảm nhưng sản lượng không giảm vì bà con biết đưa giống mới năng suất cao vào trồng, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cụ thể ngay từ năm 2012, cùng với 2 xã Đồng Tâm và Tình Húc, xã Húc Động được huyện Bình Liệu lựa chọn đưa 9 tấn giống dong riềng DRI mới sản lượng cao của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Việt Nam), và 3 tấn dong riềng giống bản địa được chọn lọc tại địa phương để trồng. Bà con nông dân cũng được tham gia lớp tập huấn, được hỗ trợ phân bón, để mở rộng quy mô và đảm bảo chất lượng cây dong riềng cung cấp cho các xưởng chế biến miến tại Bình Liêu. Thêm nữa có một nguyên nhân khác là cây dong đã nhường bớt diện tích cho cây công nghiệp. Trước kia, dong được trồng xen canh ở lâm trường. Giờ cây công nghiệp đã lớn bắt đầu cho thu hoạch, phủ kín ánh sáng, dong phải ít đi là đương nhiên. Đó lại là tín hiệu vui cho sự đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp ở vùng đất này…