Trang chủ / Thương mại / Thương mại điện tử / Minh bạch, lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử

Minh bạch, lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử

4
In bài viết Chia sẻ:

Thương mại điện tử là xu thế phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhưng cũng đang đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối mặt với 3 “vấn nạn”

Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20 – 25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ USD/ năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.

Theo Metric (nền tảng số liệu về thương mại điện tử), trong 3 tháng đầu năm 2024, người Việt “chi bạo” hơn cho mua sắm trực tuyến. Doanh số của 5 “ông lớn” thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt xa kỳ vọng, bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.

Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN
Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Thực tế, thương mại điện tử tại Việt Nam phải đối mặt 3 thách thức, cũng là 3 “vấn nạn” lớn: Thứ nhất, người tiêu dùng đối mặt với mất dữ liệu cá nhân. Thứ hai, “vấn nạn” hàng giả, hàng kém chất lượng, đã, đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng cả doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. Riêng trong năm 2023, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Thêm vào đó, theo Bộ trưởng, không thể không thừa nhận thất thu thuế trong thương mại điện tử còn tỷ lệ đáng kể, và đây là “vấn nạn” thứ 3. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, thương mại điện tử đã giao dịch với một lượng rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỷ USD, vì vậy việc nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê là gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022.

Đáng nói, thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee, Facebook… nở rộ livestream bán hàng với doanh số “khủng” hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến.

“Chúng ta cũng không thể phủ nhận là còn thất thu thuế trong lĩnh vực này. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu thuế

Trên thực tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thực vốn đã khó khăn, trên môi trường điện tử còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, để chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường này cần thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ bộ, ngành đến địa phương và doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh công nghệ 4.0. Cùng với đó, là nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trên môi trường này…

“Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 55 để hướng dẫn luật này đã và đang phát huy hiệu quả. Bộ sẽ tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn”, Bộ trưởng cho biết.

Gia Lai phát hiện cơ sở kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Lực lượng Quản lý Thị trường tiến hành kiểm đếm, phân loại sản phẩm vi phạm để làm cơ sở xử lýtheo quy định. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Gia Lai phát hiện cơ sở kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Lực lượng Quản lý Thị trường tiến hành kiểm đếm, phân loại sản phẩm vi phạm để làm cơ sở xử lýtheo quy định. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Về vấn đề thu thuế trên thương mại điện tử, theo Bộ Tài chính, số liệu quản lý thuế đến năm 2024 cho thấy: Ngành Thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó Cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử là 35.131, doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để quản lý thuế hiệu quả đối với thương mại điện tử, cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, công tác thanh tra kiểm tra.

Cùng với đó là rà soát hoàn thiện pháp luật. Các bộ luật liên quan đến thương mại điện tử đã có từ năm 2014, nên cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan để sửa. Xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế. Đặc biệt là định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 117 năm 2018 về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đặc biệt Bộ sẽ đẩy mạnh quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người dân livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Thu Trang - Minh Phương

Nguồn Tin: Báo Tin Tức

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.