Các sản phẩm OCOP của tỉnh đều có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong nước. Tỉnh đang tiếp tục phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ đặc sản Quảng Ninh.
Đổi mới toàn diện
Trên địa bàn tỉnh hiện có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ), với 334 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, 244 sản phẩm đạt 3 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước đón nhận. Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP, nhiều tổ chức, HTX, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, mang lại chất lượng, mẫu mã đẹp cho sản phẩm.
Bà Chu Thị Quỳnh (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: “Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã thay đổi rất nhiều, từ mẫu mã đến số lượng, chất lượng. Điều này cho thấy sự tôn trọng, vì mục tiêu hướng tới sự hài lòng của khách hàng của các doanh nghiệp OCOP. Tôi rất hài lòng, tin tưởng khi sử dụng các sản phẩm OCOP của tỉnh”.
Công ty CP Dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) có sự phát triển vượt bậc nhờ mạnh dạn ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Công ty đã tiếp nhận 12 quy trình công nghệ về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế biến sản phẩm của 3 loài cây dược liệu hoài sơn, giảo cổ lam, ba kích từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu, Bộ Y tế). Năm 2020 Công ty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab – kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn. Các trang thiết bị kỹ thuật, máy móc được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Thời gian tới Công ty tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, mẫu mã, đầu tư thêm máy móc, dây chuyền sản xuất.
Cuối năm 2020, Sở NN&PTNT triển khai ứng dụng mã QR Code đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, OCOP trên địa bàn tỉnh. Chỉ cần quét mã bằng điện thoại khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nắm được đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất, ngày giờ cung ứng sản phẩm ra thị trường, độ an toàn… Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, Chè Hằng Nga, Vịt trời Hải Hà, Nấm kim châm Đông Triều, Miến dong Bình Liêu, Nước khoáng Quang Hanh, Chè hoa vàng Quy Hoa…
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT): Trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem QR Code đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin trong chuỗi cung ứng, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chi cục đã triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, sử dụng tem QR Code; áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem QR Code trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc thực phẩm nông sản an toàn cho các hộ sản xuất, chế biến, các doanh nghiệp sản xuất đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Triển khai tem truy xuất nguồn gốc được thực hiện, cập nhật thường xuyên, giúp đảm bảo chất lượng, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Hằng năm tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tỉnh hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Hằng năm Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về chương trình OCOP, như: Công tác quản lý chất lượng sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng CNTT trong quản lý sản phẩm, tổ chức sản xuất; hướng dẫn cơ sở sản xuất đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm… Qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ngày một hiệu quả hơn.
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tốt lợi thế của các địa phương, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn cao, vươn xa, phát triển bền vững hơn.
Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối tiêu thụ, tuần xúc tiến, hội chợ, triển lãm… Qua đó, giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay có 54 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+…; nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được đẩy mạnh. Giai đoạn 2017-2022 tỉnh đã tổ chức 16 lượt hội chợ OCOP cấp tỉnh; 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại khu tập trung đông dân cư thuộc 13 địa phương trong tỉnh. Riêng năm 2022, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, tỉnh tổ chức 3 hội chợ OCOP, quy mô trung bình trên 450 gian hàng. Tại hội chợ, tỉnh dành riêng khu thương mại điện tử và giải pháp số, giới thiệu quảng bá sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Lazada, Tiki và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các gian hàng để giới thiệu, tư vấn trực tiếp cho đơn vị, doanh nghiệp hộ kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử. Nhờ đó đến nay có 385 sản phẩm OCOP tỉnh được đưa lên các sàn Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Tiki…
Các hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài tiếp tục được tỉnh thực hiện với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo”. Các chương trình xúc tiến OCOP tại Hội chợ Thương mại ASEAN – Trung Quốc; Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt Nam – Trung Quốc; mở rộng xúc tiến vào các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan… được thực hiện hiệu quả, tăng sức hút của sản phẩm OCOP Quảng Ninh với thị trường ngoài nước. Sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường.
Để sản phẩm OCOP vươn xa hơn thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục coi trọng chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông; tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Từ nay đến năm 2025, cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với VSATTP và ổn định về sản lượng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia, gắn với triển khai Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ NN&PTNT “Phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm”.