Có được kết quả khả quan trên là một quá trình dài vượt qua nhiều khó khăn để tập trung cho việc triển khai đầu tư phát triển trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thuỷ sản. Còn nhớ vài năm trước đây, do thiếu vốn đầu tư, nên hầu hết các hộ ngư dân vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, rất ít hộ có phương tiện đánh bắt hiện đại để vươn ra khơi. Hệ thống dịch vụ hậu cần (bến đậu tàu thuyền, cảng cá, bến sửa chữa tàu thuyền…) còn nhiều bất cập. Thị trường tiêu thụ không ổn định, ngư dân thường bị tư thương ép giá…
Với quyết tâm vươn lên làm giàu từ biển, một mũi nhọn được xác định đó là tận dụng các bãi triều ven biển phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, nhất là tập trung cho nuôi nhuyễn thể. Ban đầu việc nuôi nhuyễn thể tập trung chủ yếu ở nuôi trai cấy ngọc với vài doanh nghiệp tham gia. Sau đó mở rộng ra các loại con khác có giá trị kinh tế cao như tu hài, ốc hương, hàu, điệp quạt… Để tạo sự tin tưởng cho người dân trong nuôi trồng, hàng loạt mô hình nuôi thuỷ sản, hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được huyện quan tâm triển khai. Huyện đã có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản, từ đó định hướng rõ phát triển nuôi con gì phù hợp với từng vùng nước, từng tuyến đảo (đặc biệt đây là huyện đầu tiên có được quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản vùng ven biển do hợp phần SUMA của Đan Mạnh tài trợ thực hiện); huy động nguồn vốn trong dân, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng quy mô nuôi trồng; đẩy mạnh công tác khuyến ngư. Hiện nay, huyện đang tích cực triển khai các mô hình nuôi thử nghiệm ngao hoa ở các xã Hạ Long, Đông Xá, Bản Sen, Thắng Lợi, Minh Châu, Quan Lạn; nuôi cua biển trong ao nuôi tôm kém hiệu quả tại xã Đoàn Kết, Bình Dân… Qua đó, mở ra được hướng đi đúng, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân và nhanh chóng lan toả ra toàn huyện. Nếu như năm 2005, toàn huyện chỉ có 7 hộ nuôi tu hài với số lượng khoảng 30 vạn con, thì đến nay phong trào nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn phát triển mạnh mẽ từ diện tích đến đa dạng về sản phẩm nuôi trồng, thiết thực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng là 3.100ha (trong đó diện tích nuôi nhuyễn thể là 2.800ha), tăng 80ha so với cùng kỳ. Trong đó có 4.783 ô lồng bè nuôi cá, 49 cơ sở thu mua chế biến sứa (trong đó có 1 cơ sở chế biến sứa ăn liền),… Song song với đó, nghề đánh bắt thuỷ sản cũng được huyện quan tâm, bằng cách tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp phương tiện, từng bước vươn ra khơi xa. Hiện tại, toàn huyện có 1.674 phương tiện tàu cá, trong đó có gần 70 chiếc công suất máy trên 90CV.
Có thể nhận thấy nhờ những hướng đi đúng trong phát triển khai thác nuôi trồng thuỷ sản, người dân trên địa bàn huyện ngày càng mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.