Hướng về những mùa xuân phía trước, người nông dân ở huyện Ba Chẽ sẽ dồn lực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu rừng trồng, từ cây keo giá trị thấp nhanh làm đất bạc màu sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao hơn và cây dược liệu dưới tán rừng ở những khu vực có điều kiện phù hợp.
Diện tích trồng rừng mới toàn huyện Ba Chẽ trong 3 năm qua đạt hơn 10.730,5ha, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 3.500ha. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 2.301ha, chiếm 21,4% tổng diện tích rừng trồng mới; trong đó trồng gỗ lớn cây lim, giổi, lát là 674,1ha, còn lại là keo Úc, thông mã vĩ, sồi phảng.
Không cho đất nghỉ hay bỏ đất trống, đến nay người nông dân Ba Chẽ đã trồng 36.946 cây lâm nghiệp phân tán trên những diện tích đất nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Cây không phụ ơn người, rừng trồng được chăm sóc, sản lượng tăng trưởng bình quân 13,2m3/ha/năm. Tính riêng trong năm 2023, huyện đã trồng được hơn 363,74ha rừng gỗ lớn chủ yếu là lim, giổi, lát đạt 86,6% kế hoạch và bằng 71,3% cùng kỳ; 506,1ha cây bản địa như quế, hồi, thông và trên 80ha ba kích, trà hoa vàng, cát sâm.
Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, như ba kích tím, trà hoa vàng đều là những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu của Ba Chẽ, phấn đấu trở thành một trung tâm dược liệu của tỉnh. Trong đó, trà hoa vàng là một loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, đã và đang được nhiều hộ nông dân trồng, khai thác hiệu quả, từng bước giúp họ vươn lên thoát nghèo. Trà hoa vàng nói riêng và cây dược liệu nói chung đang cho thấy những tiềm năng rất lớn trên địa bàn huyện.
Nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng của các loại cây dược liệu có thế mạnh, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ giống, vốn, cùng các ưu đãi đến các hộ nông dân trên địa bàn. Nhớ lời Bác dạy “Vì lợi ích 10 năm trồng cây…”, huyện Ba Chẽ đã tích cực chuẩn bị cây giống để gối vụ cho những mùa sau. Trên địa bàn huyện hiện có 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; trong đó có 5 vườn ươm quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã và 23 vườn ươm quy mô hộ gia đình. Tổng diện tích của các vườn ươm là 11,2ha, 3 năm qua đã sản xuất 22.065 cây giống.
Đáng chú ý, để đảm bảo tính bền vững, huyện đang chủ động hỗ trợ, định hướng các mô hình trồng dược liệu phát triển theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, từ đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh thị trường. Các vùng trồng nguyên liệu được bố trí xa các khu chăn nuôi để tránh nguy cơ gây ô nhiễm. Nguồn đất, nguồn nước cũng được xử lý kỹ càng đảm bảo cho khả năng sinh trưởng của cây và chất lượng sản phẩm.
Người nông dân Ba Chẽ biết loại bỏ các hóa chất độc hại, tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện Ba Chẽ những năm qua phát triển ổn định, liên tục cho hiệu quả kinh tế cao.
Với tiềm năng lợi thế thổ nhưỡng phù hợp với cây lâm nghiệp, Ba Chẽ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, qua đó tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.