Trang chủ / Tin tức / Vải chín sớm Phương Nam: Mong chờ một thương hiệu

Vải chín sớm Phương Nam: Mong chờ một thương hiệu

0
In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Tin tức
Ngoài “vàng đen”, Quảng Ninh còn được biết đến với nhiều đặc sản khác như: Tu hài Vân Đồn, mía tím Hải Hà, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên… Mặc dù sản vật nhiều như vậy, nhưng thương hiệu hàng nông sản của Quảng Ninh vẫn chưa có và khi tiêu thụ ra thị trường thường phải “ăn theo” một thương hiệu khác.
Vải chín sớm Phương Nam: Mong chờ một thương hiệu
Tình trạng đáng buồn đó đã từng xảy ra với vải chín sớm Phương Nam Phường Phương Nam (TP Uông Bí), hiện đang là địa phương có diện tích trồng vải chín sớm (hay còn gọi là vải u trứng) nhiều nhất trên toàn tỉnh. Giống vải này thường vào vụ sớm hơn 1 tháng so với các loại vải khác trên thị trường nên giá trị kinh tế khá cao. Nhận thấy việc trồng loại vải này mang lại thu nhập cao nên những năm gần đây diện tích trồng vải đã được bà con mở rộng đáng kể. Năm 2009, cả phường có 105ha thu hoạch được 300 tấn. Tháng 4-2011, diện tích trồng vải tăng lên 226ha và hiện nay tổng diện tích đã lên tới 288ha. Trong năm 2011, tổng sản lượng thu hoạch được 720 tấn với tổng doanh thu khoảng 21 tỷ đồng. Hộ gia đình nào có 1ha trồng vải là có thể có thu nhập khoảng 100-120 triệu đồng. Như vậy, vải chín sớm Phương Nam đã thực sự trở thành cây trồng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng vai trò chủ lực trong tăng thu nhập của người dân và đồng thời cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập toàn phường.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, những lợi ích và giá trị về kinh tế của vải chín sớm Phương Nam chưa được khai thác, đầu tư để phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã làm cho vải chín sớm Phương Nam bị đánh đồng với vải của các địa phương khác hay bị lạm dụng để mang tên thương hiệu khác. Ông Lê Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Thái cho chúng tôi biết: Chất lượng vải chín sớm Phương Nam không hề thua kém vải thiều Thanh Hà (Hải Dương). Vào thời gian thu hoạch, người dân không phải mang đi đâu bán mà sẽ có các thương lái đánh hẳn xe tải, xe công-ten-nơ đến tận nhà thu mua. Nhưng để có thể dễ dàng tiêu thụ, các thương lái thường chuẩn bị sẵn tem nhãn hiệu vải thiều Thanh Hà, rồi bà con Phương Nam lại trực tiếp đóng gói luôn khi cân vải để vận chuyển vào các tỉnh miền trong. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, trên từng cân vải chín sớm Phương Nam sẽ là nhãn hiệu riêng của Phương Nam.

Như vậy có thể thấy thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng trực tiếp tác động vào tâm lý người tiêu dùng. Khi có thương hiệu, giá bán sẽ cao hơn hẳn và cũng là tiền đề để nâng cao uy tín và thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Do đó việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải chín sớm Phương Nam là việc làm hết sức cần thiết để xác định tên tuổi, chỗ đứng trên thị trường. Bởi khi có đề án xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ có sự đầu tư phối hợp đồng bộ trong các khâu sản xuất, như quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm, chọn giống, đào tạo khoa học kỹ thuật, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch…

Năm 2012, việc xây dựng và phát triển cho 14 thương hiệu nông sản của Quảng Ninh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Quan trọng hơn khi xây dựng thương hiệu nông sản thành công, nông dân sẽ là đối tượng thụ hưởng chính. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm cộng đồng trong phát triển kinh tế bền vững và góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đối với phường Phương Nam, khi thương hiệu vải chín sớm được xây dựng thành công sẽ là điều kiện để phát triển sản xuất với quy mô lớn và việc ép giá, tìm thị trường cho đầu ra sẽ không còn là nỗi lo. Có được chỗ đứng trên thị trường thì sản phẩm nông sản của Quảng Ninh mới vươn xa hơn trong nước và quốc tế.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Báo điện tử Quảng Ninh

Nguồn Tin: Báo điện tử Quảng Ninh

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.