Trang chủ / Văn bản QPPL / Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2 năm 2015

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2 năm 2015

1
In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Văn bản QPPL

Bắt đầu từ tháng 2/2015, nhiều quy định, chính sách mới về ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học E10 tại cửa hàng xăng dầu; Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia; Phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện,v.v…

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học E10 tại cửa hàng xăng dầu

Từ ngày 20/02/2015, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học E10 tại cửa hàng xăng dầu bắt đầu có hiệu lực áp dụng. Quy chuẩn này được ban hành theo Thông tư số 48/2014/TT-BCT (Thông tư 48) ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương.

Theo đó, đối với quy định kĩ thuật về vật liệu, các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng E10 phải không chịu tác động của xăng E10, không làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng E10. Các chi tiết tiếp xúc với xăng E10 của các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng E10 phải được chế tạo từ các vật liệu được quy định. Việc sử dụng các chi tiết tiếp xúc với xăng E10 của các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng E10 được chế tạo từ các vật liệu không quy định phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Công Thương.  Bộ Công Thương đã giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn QCVN 02: 2014/BCT của Thông tư 48.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương đã giới thiệu về Thông tư 48 tại bài viết: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học E10 tại cửa hàng xăng dầu”.

Quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đường ống dẫn hơi và nước nóng nhà máy điện

Từ ngày 02/02/2015, Thông tư số 52/2014/TT-BCT (Thông tư 52) của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đường ống dẫn hơi và nước nóng nhà máy điện sẽ có hiệu lực.

Thông tư 52 đã quy định chi tiết về thiết kế phải đảm bảo những yêu cầu chung như: Đường ống dẫn được thiết kế theo điều kiện áp suất, nhiệt độ, môi chất làm việc và có tính đến các lực tác động khác (tải trọng, giãn nở, động học, gió, động đất, rung động) lên đường ống dẫn ở điều kiện khắc nghiệt nhất. Số lượng và bố trí các van phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thuận tiện cho vận hành và an toàn trong sửa chữa, bảo dưỡng, v.v… Bên cạnh đó, việc lắp đặt đường ống dẫn phải theo đúng thiết kế và tuân thủ các quy định tại quy chuẩn này; tất cả các công việc lắp đặt đường ống dẫn phải được tiến hành theo các quy trình công nghệ, biện pháp đã được duyệt; Trước khi đưa vào lắp đặt đường ống dẫn, phải kiểm tra, xem xét đường ống, van, chi tiết đấu nối, thiết bị giảm ôn giảm áp và các phụ kiện phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn này; Khoảng cách từ mặt ngoài của lớp cách nhiệt đường ống đến các chi tiết như cột nhà, tường nhà và các kết cấu khác không được nhỏ hơn 25 mm; Khi xác định khoảng cách này phải tính đến sự xê dịch của ống do giãn nở nhiệt và điều kiện lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra và vận hành; Khi khoảng cách tính từ mặt dưới của lớp cách nhiệt ống dẫn đến mặt đất thấp hoặc mặt sàn thấp hơn 2 m thì phải làm lối đi riêng hoặc cầu thang, v.v…

Đặc biệt, Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 52 cũng đã quy định các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, cung cấp, lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra, thử nghiệm và kiểm định đối với đường ống dẫn hơi và nước nóng nhà máy điện bằng kim loại có áp suất làm việc bằng và lớn hơn 0,07 MPa, nhiệt độ lớn hơn 115 °C, v.v…

Có thể tìm hiểu thêm Thông tư số 52/2014/TT-BCT tại bài viết “Quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đường ống dẫn hơi và nước nóng nhà máy điện” của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia

Bắt đầu từ ngày 03/02/2015, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia sẽ có hiệu lực. Đối tượng áp dụng quy định này bao gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh bia.

Cụ thể, các khu vực bày bán, bảo quản, chứa đựng sản phẩm phải luôn khô ráo, sạch sẽ, bảo đảm không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm, không bị ô nhiễm bởi các hoá chất độc hại, tạp chất hay các vi sinh vật gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng. Cơ sở kinh doanh phải tuân thủ độ cao xếp lớp lưu kho theo hướng dẫn của nhà sản xuất và có quy trình vệ sinh cơ sở và ghi nhật ký vệ sinh do chủ cơ sở quy định. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các điều kiện khác theo yêu cầu của cơ sở sản xuất đối với từng loại sản phẩm trong suốt quá trình bảo quản và kinh doanh sản phẩm. Ngoài ra, phải lưu giữ đầy đủ các hồ sơ, chứng từ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng liên quan đến sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhân viên xuất bán bia phải được trang bị đầy đủ bảo hộ cá nhân theo quy định, thực hiện thay găng tay sạch hoặc sát khuẩn tay trước khi chiết rót bia hơi.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 53/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương đã có bài viết “Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia” giới thiệu về nội dung Thông tư số 53/2014/TT-BCT.

Quy định thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Từ ngày 27/02/2015, Thông tư số 01/2015/TT-BCT quy định thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại sẽ có hiệu lực.

Thông tư đã yêu cầu cụ thể về thủ tục, hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ bao gồm: Một bản chính Đơn đăng ký dấu nghiệp vụ thực hiện (theo mẫu kèm theo), một bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp: Bản sao có chứng thực đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp; Các mẫu dấu nghiệp vụ hoặc bản thiết kế các mẫu dấu nghiệp vụ mà thương nhân đăng ký.

Ngoài ra, với trường hợp thay đổi, bổ sung dấu nghiệp vụ trong chứng thư giám định, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải đăng ký với cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ nơi thương nhân đăng ký kinh doanh. Trình tự giải quyết và hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung dấu nghiệp vụ cũng được quy định rõ tại Thông tư. Thương nhân chuyển địa chỉ trụ sở sang tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương phải thông báo bằng văn bản về việc đã đăng ký dấu nghiệp vụ tại nơi chuyển đi đến cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ nơi chuyển đến trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển đến và không phải làm thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ, v.v…

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã giới thiệu chi tiết về Thông tư số 01/2015/TT-BCT tại bài viết: Quy định thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương ban hành ngày 19/12/2014. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2015.

Theo đó, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở: Chủ đầu tư chi trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ đời sống kinh tế dự án; Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%. Giá hợp đồng mua bán điện của máy nhiệt điện được tính bằng đồng/kWh, bao gồm hai thành phần sau: Giá phát điện: do hai bên thoả thuận trong Năm cơ sở và không được vượt quá khung giá phát điện của máy nhiệt điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt trong Năm cơ sở, giá phát điện được xây dựng theo phương pháp quy định tại Điều 4 của Thông tư; Giá vận chuyển nhiên liệu chính: do hai bên thỏa thuận trong Năm cơ sở và được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 8 của Thông tư. Giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy thuỷ điện là giá phát điện được tính bằng đồng/kWh, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy thủy điện do hai bên thoả thuận trong Năm cơ sở và không được vượt quá khung giá phát điện của nhà máy thuỷ điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt trong Năm cơ sở. Giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy thuỷ điện được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 9 Thông tư này.Giá hợp đồng mua bán điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện), chi phí đầu tư đường dây truyền tải và các khoản thuế, phí khác theo quy định của Nhà nước (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá điện), v.v…

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã giới thiệu chi tiết về Thông tư số 56/2014/TT-BCT tại bài viết: “Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện”.

Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Từ ngày 16/2/2015, Nghị định số 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có hiệu lực thi hành.

Nghị định này quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan nhà nước hữu quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cụ thể, quy định phạm vi với các địa bàn như: địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa; địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế trong nội địa; địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế trong nội địa; địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế; địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; địa bàn hoạt động hải quan tại bưu điện quốc tế; địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu.

Trong đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan nhà nước hữu quan, UBND các cấp trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Nội dung phối hợp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới gồm: Trao đổi, cung cấp thông tin; tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, truy đuổi, dừng phương tiện vận tải; ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ; tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới được thực hiện theo nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, hiệp đồng hỗ trợ lẫn nhau theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan.

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác.

Khi cơ quan hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của Luật Hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện, điều kiện vật chất, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan phối hợp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó và hỗ trợ các cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ được phân công; Bên cạnh đó, các cơ quan phối hợp có trách nhiệm: Thực hiện đúng yêu cầu phối hợp của cơ quan hải quan; tổ chức và điều động lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ khi cơ quan hải quan yêu cầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phối hợp, v.v..

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Bộ Công Thương

Nguồn Tin: Công thông tin điện tử

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.