Hiện sàn thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng chủ lực của nhiều doanh nghiệp và cũng là lựa chọn ưa thích của khách hàng. Thế nhưng, tại đây trong thời gian vừa qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn chưa được dẹp bỏ, ngược lại còn ngang nhiên bán công khai.
Chủ động kiểm soát
Ông Phan Thanh Thảo – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NPOIL – cho biết, tình trạng hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, hơn nữa hàng giả hiện rất khó để phân biệt và phát hiện trên môi trường mạng.
Hiện tại, doanh nghiệp đã thực hiện triển khai các công tác tuyên truyền, marketing để chống hàng giả, thay đổi mẫu mã, đồng thời ứng dụng các công nghệ chống giả lên sản phẩm để ngăn chặn hàng giả cho sản phẩm.
Đối với các gian hàng của công ty trên thương mại điện tử, ông Thảo cũng cho rằng, doanh nghiệp đã triển khai đăng ký các gian hàng Mall, cung cấp các giấy tờ chứng minh chất lượng để người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm.
Tương tự, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh mới đây vừa tiêu hủy các lô hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu lớn như Zara, Gucci, Louis Vuitton… bày bán công khai trên môi trường thương mại điện tử và thị trường kinh doanh truyền thống.
Ngày 15.9, tại chi nhánh Công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh (nhà máy xử lý chất thải nguy hại Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai), Đội Quản lý thị trường số 2 – Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Đông A thực hiện tiêu hủy 7.512 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần áo họa tiết rằn ri, quần áo thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.
Tìm giải pháp dẹp bỏ hàng giả, hàng nhái
Số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có trên 73% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến.
Nửa đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ước đạt 10,3 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ (chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước). Đáng chú ý, ngành thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và dẫn đầu về tốc độ phát triển.
Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – nhận định, dù đang có tốc độ phát triển khả quan nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề như tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, thiếu tính liên kết về thương mại điện tử giữa các vùng, hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ thương mại điện tử…
Từ đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) – cho biết, để nâng cao hiệu quả ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, tiếp tục rà soát, đánh giá những yêu cầu thực tế để đối chiếu với năng lực, điều kiện cụ thể nhằm phân tích, làm rõ những khiếm khuyết, tồn tại, bất cập trong hoạt động của lực lượng quản lý thị trường tại mỗi địa phương, tập trung kiểm tra vấn đề hàng nhái, hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Theo ông Trần Hữu Linh, hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng thì rất dễ nhận biết và phát hiện, nhưng trên môi trường internet thì rất khó kiểm soát.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, có đến 80 – 90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên không gian mạng. Việc xử lý vấn nạn hàng nhái và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025.