Cùng với hoạt động thương mại dịch vụ được duy trì ổn định, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục phục hồi và có sự tăng trưởng nhẹ. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn 3 tháng đầu năm đạt khoảng 7.398 tỷ đồng, đạt 21,7% so với kế hoạch và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị sản xuất của khối công nghiệp Trung ương đạt 5.048 tỷ đồng, đạt 22,6% kế hoạch năm và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất của khối công nghiệp địa phương đạt 1.302 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch năm và tăng 5,2% so với quý I-2011. Giá trị sản xuất của khối công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.047 tỷ đồng, đạt 19,8% kế hoạch năm và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2011. Một số ngành sản xuất đã từng bước khắc phục khó khăn để phục hồi tăng trưởng như dầu thực vật đạt trên 74.000 tấn, tăng 19,5% so với quý I-2011, xi măng đạt 563.000 tấn, bằng 70,6 cùng kỳ năm trước, gạch nung đạt 163,5 triệu viên… Do sản xuất từng bước được phục hồi, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu sôi động trở lại. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 441,285 triệu USD, đạt 16,48% năm và tăng 7,8% cùng kỳ năm 2011; trị giá hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan… đạt 1.323 triệu USD, đạt 32% kế hoạch và tăng 9% so với quý I-2011.
Tiếp tục phát huy lợi thế so sánh đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngành Công thương đã tiếp tục có các giải pháp nhằm trợ lực các doanh nghiệp phát triển, tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Phát triển các ngành dịch vụ thông qua những chính sách về quy hoạch, phát triển đô thị và nông thôn; phát triển các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tạo thuận lợi trong xây dựng công trình trọng điểm, nghiên cứu và triển khai, hỗ trợ kỹ thuật phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và linh hoạt chuyển hướng xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế – xã hội nhằm giảm bớt ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hướng tới sự phát triển hiện đại và bền vững. Đổi mới hoạt động thương mại dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao trình độ hoạt động thương mại hàng hoá ở trình độ cao, hiện đại. Hình thành các trung tâm thương mại lớn tại các thành phố, khu đô thị dân cư tập trung. Làm tốt việc cung ứng mặt hàng chính sách, hình thành các chợ nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả việc làm hàng giả, buôn lậu gian lận thương mại.