Việc hợp tác với doanh nghiệp Bắc Âu trong lĩnh vực logistics đã và đang mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam phát triển, hướng tới logistics xanh.
Mở ra cơ hội lớn trong hợp tác logistics
Tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu – châu Mỹ diễn ra chiều 23/9, tại TP Hồ Chí Minh, ông Richard Mellgren – Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, bán hàng và tiếp thị – Cảng Gothenburg thông tin, mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam – Thuỵ Điển được tổ chức nhân dịp 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển, Cảng Gothenburg (Thụy Điển) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở Công Thương Hải Phòng và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) về hợp tác logistics.
Cảng Gothenburg hiện là cảng lớn nhất ở các nước Bắc Âu với hơn 11.000 lượt tàu ghé thăm mỗi năm từ hơn 140 điểm đến trên toàn thế giới, là cảng duy nhất của Thụy Điển có khả năng tiếp nhận những tàu container hiện đại, đi biển lớn nhất. Gothenburg xử lý gần 30% hoạt động thương mại nước ngoài của Thụy Điển, bao gồm 39 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Do đó, các MOU vừa được ký kết được đánh giá là sự kiện đáng ghi nhớ vì sẽ tăng cường hợp tác nhằm phát triển dịch vụ logistics giữa doanh nghiệp, địa phương hai bên, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thuỵ Điển nói riêng và với khu vực châu Âu nói chung.
Ông Richard Mellgren chia sẻ, sứ mệnh và tầm nhìn của Cảng Gothenburg là đảm bảo ngành công nghiệp Thụy Điển có thể tiếp cận thị trường toàn cầu. Để đạt được điều đó, Cảng Gothenburg luôn nỗ lực duy trì tính cạnh tranh, cung cấp các giải pháp vận tải và logistics hiệu quả, bền vững cho ngành công nghiệp.
Là cảng lớn nhất Bắc Âu, Cảng Gothenburg hiện cung cấp dịch vụ đa dạng cho các loại tàu như tàu container trên 20.000 TEU, tàu RO/RO, tàu chở dầu, tàu chở hàng rời và tàu du lịch. Hiện tại, Cảng Gothenburg xử lý khoảng 57% lượng container xuất nhập khẩu của Thụy Điển. Mạng lưới vận tải biển bao gồm cả thị trường nước ngoài và các thị trường gần trong khu vực.
Cảng Gothenburg cũng đang chú trọng cung cấp các nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn cho các tàu vận chuyển và đã triển khai các giải pháp như cung cấp điện từ bờ cho tàu trong khi neo đậu, giúp giảm thiểu khí thải.
Một yếu tố quan trọng trong việc đạt được mục tiêu bền vững chung là hệ thống Railport Scandinavia, kết nối cảng Gothenburg với các thành phố trên khắp Thụy Điển thông qua mạng lưới đường sắt. Hiện nay, có 70 chuyến tàu mỗi ngày vận chuyển container, rơ-moóc và hàng rời, với 60% số container di chuyển qua cảng được vận chuyển bằng đường sắt. Hệ thống này cũng liên kết Gothenburg với Oslo và các khu vực nội địa Na Uy. Cảng Gothenburg cũng đang phát triển các kết nối liên phương thức để kết hợp vận tải đường biển và đường sắt giữa Thụy Điển và Phần Lan.
Kỳ vọng tăng cường hợp tác logistics Việt Nam – Thuỵ Điển
Ông Richard Mellgren cho hay, Cảng Gothenburg luôn nỗ lực tìm kiếm các liên kết trực tiếp với các cảng khác trên toàn cầu. Việt Nam là một thị trường đang phát triển và ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
“Nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, chúng tôi rất vui mừng vì sắp có tuyến vận chuyển trực tiếp đầu tiên giữa Gothenburg và Vũng Tàu trong vài tháng tới. Đây sẽ là một bước tiến lớn, và chúng tôi hy vọng sẽ cùng nhau tận dụng cơ hội này để hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác tối đa tuyến dịch vụ mới mà hãng vận tải container lớn nhất thế giới, MSC, đang triển khai. Ngoài ra, các giải pháp vận tải biển giữa Việt Nam và Thụy Điển đã tồn tại nhiều năm và vẫn tiếp tục hoạt động” – ông Richard Mellgren chia sẻ.
Khoảng hai năm trước, Cảng Gothenburg đã xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm để phát triển.
“Chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội hợp tác với Sở Công Thương Hải Phòng và Tân Cảng Sài Gòn thông qua các MOU vừa ký kết. Cùng nhau, chúng tôi sẽ chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và chuyên môn để phát triển thị trường” – ông Richard Mellgren kỳ vọng.
Khu vực phía Bắc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng cảng. Mục tiêu của Cảng Gothenburg là một ngày nào đó có tuyến kết nối trực tiếp giữa Hải Phòng và Gothenburg. Cả hai khu vực đều đặt trọng tâm vào tính bền vững, với các hoạt động không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lựa chọn nhiên liệu tái tạo và đầu tư vào các tàu vận chuyển thân thiện với môi trường, kết hợp với các giải pháp vận tải đường sắt và giao hàng cuối cùng bằng xe tải điện. Từ đó, kỳ vọng sẽ tạo ra các hành lang xanh kết nối hai quốc gia trong tương lai.