Trang chủ / Tin tức / Nhìn ra tỉnh bạn / Nghệ An: Định vị thương hiệu, nâng tầm sản phẩm OCOP

Nghệ An: Định vị thương hiệu, nâng tầm sản phẩm OCOP

6
In bài viết Chia sẻ:

Đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Nghệ An xác định lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo trong triển khai Chương trình OCOP.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 423 sản phẩm được xếp hạng OCOP. Nghệ An vươn lên đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội).

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua ứng dụng điện thoại thông minh (ảnh Thanh Phúc – Báo Nghệ An)

Cùng với việc gắn sao cho sản phẩm, việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm OCOP cũng được địa phương này đẩy mạnh, triển khai. Theo đó, bằng nhiều hình thức, Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử.

Đến nay, Nghệ An đã có 175 sản phẩm được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Không chỉ có thế, các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại 51 hội chợ, 20 hội nghị kết nối cung cầu, chưa kể một số chương trình chuyên ngành khác. Ngoài ra là hàng chục điểm bán hàng OCOP tại các địa phương, mỗi chủ thể đều cho thấy sự chủ động, hăng hái, muốn góp sức mình vào thành công chung.

Nghệ An: Định vị thương hiệu, nâng tầm sản phẩm OCOP

Có thể thấy, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu…

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 – 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Đồng thời, Chương trình OCOP đã và đang góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị, được xem là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm. Nghệ An vẫn thiếu sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra chưa ổn định. Nguyên nhân một phần là do ở địa phương vẫn lúng túng để lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, xã để phát triển, nâng cao thương hiệu, chất lượng, kết nối với thị trường.

Theo các chuyên gia, để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định vững chắc thương hiệu, đồng thời tăng sức cạnh tranh, việc chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và kinh doanh, qua đó từng bước nâng tầm rõ rệt sản phẩm là hết sức quan trọng.

Để sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, từng bước xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đã được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Chủ trương của địa phương là hướng sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Nguyễn Hạnh

Nguồn Tin: Công Thương

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.