Trang chủ / Tin tức / Phát triển nông nghiệp có liên kết: Điển hình Ba Chẽ

Phát triển nông nghiệp có liên kết: Điển hình Ba Chẽ

0
In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Tin tức

Vẫn gắn bó với những cây trồng truyền thống, bản địa, nhiều nông dân huyện Ba Chẽ đã và đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nhờ biết áp dụng cách làm mới, nhất là tham gia liên kết sản xuất.

Cây trà hoa vàng Ba Chẽ hiện có tổng diện tích trồng toàn huyện đạt gần 230ha, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm, lá trà tươi là 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hằng năm khoảng hơn 20 tỷ đồng. Có thể nói, việc hình thành mô hình liên kết sản xuất là động lực chính để đưa thương hiệu này giữ vững vị thế trên thị trường, là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2023. Vì vậy, cách làm này nhận được sự đồng tình, chủ động hưởng ứng của hầu hết các hộ trồng trà tại Ba Chẽ.

Đóng hộp trà hoa vàng sấy khô tại HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ. Ảnh: Anh Vũ

Hiện nay, các hộ chủ yếu đang liên kết với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh và HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ để xây dựng vùng trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, quy trình trồng, chăm sóc được chú trọng hơn, đảm bảo theo kỹ thuật, an toàn; dây chuyền chế biến, đóng gói có sự tham gia của máy móc kỹ thuật hiện đại.

Theo ông Nguyễn Thành Trọng, Giám đốc HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, việc liên kết sản xuất mang lại đồng thời nhiều lợi ích cho cả người trồng và doanh nghiệp. Nông dân có đầu ra thu mua ổn định, nâng cao tay nghề sản xuất đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nguồn hàng được mở rộng, đảm bảo dồi dào, đã giúp HTX có điều kiện ứng dụng những dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế những sản phẩm truyền thống là hoa, lá khô. Với các công nghệ sấy thăng hoa, nghiền bột lá bằng đá granit… hiện HTX có thể đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như bột trà, bánh trà, nước uống đóng chai…

Bên cạnh trà hoa vàng, những năm gần đây huyện Ba Chẽ đang tập trung phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp – dược liệu. Huyện đã hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng bổ sung; tích cực triển khai việc đa dạng hoá cây trồng lâm nghiệp, dược liệu, tăng thêm diện tích sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.

Đến nay diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện đã đạt khoảng 300ha với gần 400 loại dược liệu tự nhiên dưới tán rừng theo hướng kết hợp hài hòa với tập tục canh tác, sản xuất của người dân. Trên nền tảng chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn kết hợp với phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Ba Chẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý chí và tư duy sáng tạo của người dân. Đặc biệt là nâng cao vai trò của các HTX trong liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân; chủ động hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Nông dân xã Minh Cầm (huyện Ba Chẽ) học tập kỹ thuật trồng cây gỗ lớn để tham gia mô hình liên kết sản xuất. Ảnh: Ngọc Lợi (CTV)

Để góp phần thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp, Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ cũng phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội huyện để thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt, nguồn vốn vay có sự ưu đãi đáng kể đối với các mô hình liên kết, tổ hợp tác, HTX. Như vậy, người nông dân được khuyến khích cùng nhau hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Các hoạt động hỗ trợ hội viên về giống, vốn, tư vấn kỹ thuật, chuyển đổi số toàn diện… cũng được triển khai đồng bộ thay cho cách làm nhỏ lẻ, manh mún trước đây. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng được đẩy mạnh để hội viên chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng hiệu quả đồng vốn. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt 331,7 tỷ đồng, với gần 3.900 lượt khách hàng. Chất lượng tín dụng trên địa bàn được duy trì với tỷ lệ nợ xấu 0%.

Cùng với những chính sách đồng hành, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền về thúc đẩy liên kết sản xuất trong nông nghiệp, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự chủ động từ chính mỗi nông hộ, đổi mới tư duy để nắm bắt cơ hội phát triển. Từ đó không chỉ cải thiện thu nhập gia đình, mà còn đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội địa phương.

Để khuyến khích thành lập các tổ chức OCOP, từ năm 2017 đến nay, huyện Ba Chẽ đã bố trí 250 triệu đồng hỗ trợ thành lập mới 10 HTX theo quy định. Huyện còn huy động được các nguồn vốn khuyến nông trung ương, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển 2 loại cây dược liệu quý của địa phương là Ba kích tím và Trà hoa vàng với tổng kinh phí 880 triệu đồng.

Hiện nay, huyện Ba Chẽ đã phát triển được 14 sản phẩm OCOP, tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống, 100% sản phẩm đều được đánh giá cao, xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 5 sản phẩm được chế biến từ ba kích và trà hoa vàng.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Hoàng Giang

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.