Trang chủ / Sản phẩm / Sản phẩm OCOP / Quảng Ninh: Định hướng sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ nông sản đặc trưng

Quảng Ninh: Định hướng sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ nông sản đặc trưng

11
In bài viết Chia sẻ:

Lợi thế là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản miền núi, sản phẩm OCOP có thế mạnh, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để xúc tiến tiêu thụ nông sản.

Tập trung phát triển các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa

Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại nội địa Quảng Ninh đồng bộ, hướng tới văn minh, hiện đại, đáp ứng lưu thông hàng hóa, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Tới nay, hoạt động thương mại không chỉ phát triển nhanh về số lượng, quy mô, mà còn đa dạng về loại hình theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Quảng Ninh có thế mạnh và tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó 16/17 vùng tăng quy mô diện tích so với kế hoạch.

Hiện nay, Quảng Ninh có gần 1.065ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; trên 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; 419 cơ sở sơ chế, chế biến tiêu thụ nông sản, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; 189 đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP với 499 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 đến 5 sao. Có rất nhiều sản phẩm ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ…

Đây được xem như một bước đột phá, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, Quảng Ninh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương được quảng bá rộng rãi đến thị trường trong nước và khách quốc tế. Đến nay, đã có trên 40 cơ sở với trên 60 mã sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn công nghiệp…

Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP

Để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP miền núi, Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông 2023 đã được triển khai từ ngày 29/8 – 4/9/2023 với quy mô 200 gian hàng, trong đó 70 gian hàng của 13/13 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh và trên 130 gian hàng của 36 tỉnh, thành phố, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng trên cả nước.

Các sản phẩm được giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh (http://www.ocopquangninh.com.vn) với đa dạng các nông sản sạch của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, Trưởng Ban tổ chức Hội chợ, Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông 2023 tại Móng Cái được tổ chức vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 là hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều ý nghĩa nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho những sản phẩm OCOP Quảng Ninh cũng như các sản phẩm OCOP/sản phẩm nông sản các tỉnh/thành phố trên cả nước sang thị trường Trung Quốc; từng bước kết nối thương hiệu Hội chợ OCOP Quảng Ninh trở thành một sản phẩm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như người tiêu dùng tại TP. Móng Cái.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là hội nghị thường niên được tổ chức trong thời gian diễn ra sự kiện xúc tiến thương mại của tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu là hình thành kênh tiếp xúc trực tiếp, hiệu quả, thực chất giữa đơn vị cung ứng và đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất và đơn vị kinh doanh.

Đồng thời tạo điều kiện tối đa để bên mua, bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh Quảng Ninh với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh của các tỉnh, thành phố trong cả nước tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường cho sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.

Cũng tại hội nghị này, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, HTX đã ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, bên cạnh các phương thức tiêu thụ sản phẩm truyền thống, Sở Công Thương đã giới thiệu đến các đại biểu về Sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh với các tính năng hiện đại, tích hợp các phương thức thanh toán trực tuyến nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; gia tăng giao dịch toàn cầu, đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Với Sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh chủ động các hoạt động quảng bá, thực hiện các giao dịch thương mại điện tử để người tiêu dùng trên mọi miền đất nước được biết đến, mua sắm và trải nghiệm giá trị của các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.

Đây cũng là hoạt động thiết thực và hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình “Người Việt Nam tự hào hàng Việt Nam”, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm có chất lượng của người dân; kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Ninh phục vụ khách du lịch; phát triển thương hiệu, nâng cao uy tín và giá trị kinh tế của các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.

Tác Giả: Đức Lâm

Nguồn Tin: Công Thương

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.