Trang chủ / Thương mại / Thương mại điện tử / Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững

Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững

7
In bài viết Chia sẻ:

Ngày 16/5, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững’’.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành Logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20 – 25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty hậu cần. McKinsey ước tính, dịch vụ hậu cần theo hợp đồng chỉ chiếm hơn 20% thị phần phân phối đơn hàng của thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng toàn cầu. Phần còn lại của thị trường được chi phối bởi 3 đối tượng: Những gã “khổng lồ” thương mại điện tử, các công ty khởi nghiệp, hoặc dịch vụ hậu cần nội bộ của các thương hiệu.

Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững
Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững

Hiện nay, dịch vụ logistics đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Việt Nam. Với 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, điều đó cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử luôn luôn cần thiết.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người mua thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh thương mại điện tử. Sự gia tăng khối lượng giao dịch thương mại điện tử khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong những năm vừa qua cho dịch vụ logistics trong thương mại điện tử. Người mua có thể mua sắm không giới hạn khu vực địa lý, có thể đặt mua một sản phẩm hàng hoá bất kỳ tại quốc gia khác hay vùng miền khác qua website, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời.

Nhưng ngược lại, việc vận chuyển hàng hóa không thể đến tay người dùng ngay, mà sẽ vẫn cần vượt qua khoảng cách địa lý nhất định. Điều này được thực hiện bởi hệ thống logistics. Bởi vậy, dù các giao dịch được thực hiện trên môi trường Internet nhưng dịch vụ logistics lại là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch.

Có thể dễ dàng nhận thấy, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán. Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hổi, xử lý hàng (reverse e-logistics) cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt cũng tạo ra thách thức cho các đơn vị logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành. Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Với tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử hiện nay từ 20 – 25%/năm, ngành công nghiệp logistics dự báo sẽ có đà phát triển mạnh mẽ. Dù tiềm năng phát triển lớn nhưng khó khăn trong logistics thương mại điện tử cũng là bài toán khó chưa được giải. Để tận dụng tiềm năng to lớn này đòi hỏi sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan. Đó là các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy từ các cơ quan nhà nước có liên quan; từ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần tập trung mở rộng và hiện đại hóa kho bãi, quy hoạch mạng lưới để giải quyết phương án và hình thức giao nhận, tối ưu hóa việc giao hàng theo tuyến, từ đó giảm thiểu chi phí giao nhận cho cả doanh nghiệp và người dùng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để quản lý đồng bộ hóa các chuỗi logistics cũng là một hướng đi có tính ứng dụng trong thời gian tới.

Để góp phần định hướng ứng dụng công nghệ, trước xu hướng toàn cầu làm thay đổi ngành thương mại điện tử và logistics; Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững’’.

Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, thương mại, logistics, thương mại điện tử, một số doanh nghiệp lớn trong từng ngành hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại Hội thảo sẽ diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề: Xu hướng M&A và chiến lược đầu tư bền vững trong ngành Thương mại điện tử và Logistics. Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng các chuyên gia đối thoại, thảo luận, chia sẻ về: Giải pháp phát triển bền vững ngành Thương mại điện tử và Logistics; Xu hướng phát triển thương mại điện tử xanh, logistics xanh; Xu hướng M&A trong ngành và thực trạng nhân lực ngành Thương mại điện tử và Logistics.

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”. Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022. Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản Báo cáo này.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Nhóm PV

Nguồn Tin: Báo Công Thương

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.