Trước nguy cơ giá cả có thể biến động, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương và các doanh nghiệp, tập đoàn liên quan thực hiện biện pháp ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng hoặc đứt nguồn cung dẫn đến tăng giá đột ngột trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Chỉ thị về việc bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Chỉ thị nêu rõ, dù nền kinh tế trong nước đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực, nhưng những căng thẳng và bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn tạo áp lực lên thị trường hàng hóa thiết yếu, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình cung ứng trong nước.
Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,88% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát mà Quốc hội đề ra.
Để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá cho các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cùng các tập đoàn, tổng công ty và hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và có phương án ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của thị trường. Các đơn vị cần liên tục giám sát diễn biến cung cầu và giá cả của các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tăng cao hoặc dễ biến động giá, nhằm chủ động đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị biện pháp phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các đơn vị trong việc tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, cùng với việc triển khai các biện pháp bình ổn giá.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan liên quan để theo dõi tình hình sản xuất và khả năng phục hồi sau thiên tai, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp Tết.
Trong nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp và kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.