Trang chủ / Thương mại / Thương mại điện tử / Phát triển hiệu quả thương mại điện tử

Phát triển hiệu quả thương mại điện tử

5
In bài viết Chia sẻ:

Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng khẳng định tính ưu việt, mang lại nhiều lợi ích tích cực cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển theo hướng hiện đại. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  TMĐT đã và đang từng bước phát triển, phù hợp với xu thế chung tất yếu của Việt Nam và thế giới trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân viên bán hàng HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên Sàn TMĐT quốc gia.
Nhân viên bán hàng HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên Sàn TMĐT quốc gia.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử…

Để tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động TMĐT phát triển, ngành Công Thương đã nỗ lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, hạ tầng số, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT tổng thể, toàn diện trong nhiều nội dung. Trong đó, phát triển hạ tầng thương mại số gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng và được ngành Công Thương tích cực triển khai. Theo số liệu Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng TMĐT của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương tại địa chỉ http://online.gov.vn, đến nay trên địa bàn Quảng Ninh đang có 161 website đã đăng ký, thông báo bán hàng online với Bộ Công Thương. Trong đó có 127 website của 102 doanh nghiệp và 30 website của 29 cá nhân; 4 website có chức năng như một sàn TMĐT.

Tính đến nay, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đưa được 560 sản phẩm nằm trong chương trình OCOP của tỉnh lên các sàn TMĐT, trong đó có 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao. Trong đó, sàn TMĐT Voso đang có 160 sản phẩm (đạt 47,9%); sàn TMĐT Postmart đang có 108 sản phẩm (đạt 32,3%)… Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ: http://ocop.com.vn hiện đã được tỉnh hoàn thành việc nâng cấp với nhiều tính năng hữu dụng; đang quảng bá, giới thiệu tất cả 560 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Lượng khách truy cập từ đầu năm 2023 đến nay là trên 192.000 lượt truy cập. Trong tương lai gần, sàn TMĐT http://ocop.com.vn được định hướng sẽ phát triển thành một kênh bán hàng online chuyên nghiệp, uy tín, góp phần đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn xa trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Để đạt được một số kết quả khả quan trong phát triển TMĐT, thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với những chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, cũng như TMĐT xuyên biên giới. Nhiều hội thảo, hội nghị, gặp gỡ đã được tổ chức liên tục trong thời gian qua đem lại những cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp còn non trẻ đối với TMĐT trên địa bàn. Đáng chú ý, 2 hội nghị, hội thảo tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới và nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua TMĐT xuyên biên giới – Cơ hội bán hàng trên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh và nền tảng Tiktok.

Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh; tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động phát triển TMĐT năm 2023 tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đồng thời ban hành văn bản gửi UBND các địa phương, Liên minh HTX tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông báo đến các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của đơn vị trên Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới cho đại diện doanh nghiệp, HTX và cán bộ quản lý công tác phát triển TMĐT năm 2023.
Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới cho đại diện doanh nghiệp, HTX và cán bộ quản lý công tác phát triển TMĐT năm 2023.

Song song với việc tạo dựng nền tảng, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, nền tảng thanh toán trực tuyến cũng được tỉnh và các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, 100% các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hợp đồng điện tử và hóa đơn điện tử. Đối với thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong khu vực công và trong nhân dân, 99,2% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí) đã được thanh toán trực tuyến; số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện trực tuyến đạt 87,19% và thanh toán tiền nước trực tuyến đạt 83,82%; thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã được triển khai đến 88,5% các trường học, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện; 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC cũng đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt…

Để TMĐT thực sự phục vụ người dân trong cuộc sống hằng ngày, mô hình chợ 4.0 đã được ngành Công Thương triển khai đến 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn bộ chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các hộ kinh doanh tại chợ đã thực hiện lập tài khoản ngân hàng, tạo mã QR-Code thông tin tài khoản chủ kiot để có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử mà không cần dùng tiền mặt… Toàn tỉnh hiện đang có 22 mô hình Chợ 4.0 – Thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tạo mã QR-Code thanh toán miễn phí cho trên 2.000 hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ dân sinh, tổng giá trị các hoạt động 65 triệu đồng. Với mô hình Chợ 4.0 – tiểu thương hay người kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ và khách hàng đều có thể mua bán hàng hóa, thanh toán bằng cách quét mã QR-Code mà không cần dùng tiền mặt. Mô hình đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, nhất là những người dân kinh doanh tại chợ…

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Minh Hà

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.