Trang chủ / Tin tức / Quản lý hoạt động tái xuất hàng hoá: Hiệu quả bằng quy chế cụ thể

Quản lý hoạt động tái xuất hàng hoá: Hiệu quả bằng quy chế cụ thể

0
In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Tin tức

Quảng Ninh được xác định là điểm khởi đầu của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Nam Ninh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại – dịch vụ, những năm qua hoạt động tái xuất hàng hoá qua các cửa khẩu của tỉnh đã diễn ra sôi động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Quản lý hoạt động tái xuất hàng hoá: Hiệu quả bằng quy chế cụ thể

Từ những bất cập…

Với vị trí là thị trường nối liền thị trường Trung Quốc với ASEAN và trung tâm thương mại lớn của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, gắn với hai tuyến hành lang kinh tế Việt – Trung, hoạt động thương mại của Quảng Ninh phát triển mạnh và được khẳng định bằng con số hơn 1.000 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hàng năm tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu của tỉnh, với giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động tái xuất hàng hoá qua biên giới còn có những tồn tại như: Sự phối hợp chỉ đạo giữa các ngành, địa phương trong công tác quản lý các hoạt động tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan (TNTX – KNQ) và kinh doanh dịch vụ thương mại còn có những bất cập, doanh nghiệp thực hiện chưa đúng các quy định nhưng không được chấn chỉnh kịp thời. Hiện nay, hàng hoá tạm nhập tái xuất chủ yếu là các mặt hàng như rượu, thuốc lá điếu, lá thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm đông lạnh… Các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất hàng thuốc lá, rượu hiện nay được phép tái xuất qua nhiều cửa khẩu nên khó khăn trong công tác quản lý. Riêng đối với các mặt hàng đông lạnh, trước đây do có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động này dẫn tới tình trạng hạ thấp giá dịch vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế chung của các doanh nghiệp và cả cộng đồng. Bên cạnh đó, việc hoạt động tràn lan của các doanh nghiệp đã gây khó khăn trong công tác điều hành, quản lý. Hàng hoá bị ách tắc tại cửa khẩu nhiều trong khi thiếu kho bãi bảo quản dẫn tới tình trạng lộn xộn, ô nhiễm môi trường khu vực biên giới. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách Nhà nước về việc hàng hoá tạm nhập tái xuất được đi luồng xanh, không mở niêm phong, để móc ngoặc với thương nhân nước ngoài vận chuyển hàng cấm như ngà voi, động vật hoang dã… Việc thu phí bến bãi không đủ để tái đầu tư cơ sở hạ tầng trong khi các phương tiện vận tải hàng hoá TNTX phần lớn có tải trọng lớn đã làm xuống cấp nhanh chóng các tuyến đường giao thông ra biên giới.

…Đến quy chế quản lý chặt chẽ
Với quy chế quản lý chặt đã giúp cho Quảng Ninh quản lý tốt hoạt động tái xuất hàng hoá qua biên giới, tạo ra nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp và ngân sách địa phương…

Để giải quyết những bất cập này, trong những năm qua, cùng với việc đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống kho bãi, nhà kiểm hoá tại các cửa khẩu, tỉnh đã nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Song hành cùng với đó, để Quảng Ninh phát huy được những lợi thế riêng có, Chính phủ, Bộ Công thương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh tự quyết định việc cho phép hàng hoá tái xuất đi qua các cửa khẩu, điểm thông quan thuộc các khu kinh tế của tỉnh nhằm khai thác tối đa các lợi thế phát triển về thương mại biên giới phù hợp với định hướng phát triển thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động này phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo không có hiện tượng thẩm lậu và không vi phạm pháp luật Việt Nam và các luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đây là mục tiêu lớn, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh, đồng thời cũng là công việc khó khăn đòi hỏi có sự quản lý thống nhất, có cái nhìn toàn cục. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế Quản lý hoạt động tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu qua các Khu kinh tế cửa khẩu thuộc tỉnh. Theo quy chế này, đối tượng được áp dụng là các thương nhân đã được Bộ Công thương cấp phép tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế. Thương nhân chỉ được làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, điểm kiểm tra hàng xuất khẩu thuộc các KKTCK của tỉnh sau khi được Sở Công thương xác nhận. Quy chế cũng quy định rõ 5 điều kiện để thương nhân được xác nhận hồ sơ tái xuất hàng hoá. Trong trường hợp cần thiết, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo tạm dừng hoạt động tái xuất với một số mặt hàng tại một số cửa khẩu, điểm thông quan trong KKTCK để bảo vệ an ninh môi trường, chống thẩm lậu, điều tiết chống ách tắc hàng hoá tại khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, quy chế mới này cũng đã đề cập cụ thể đến các chế tài xử lý tạm dừng hoặc đình chỉ đối với các thương nhân vi phạm… Quy chế này đã được công bố công khai để các ngành chức năng, thương nhân biết, thực hiện. Sau thời gian thực hiện thấy rằng Quy chế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân hoạt động nghiêm túc, nâng cao  được hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Báo điện tử Quảng Ninh

Nguồn Tin: Báo điện tử Quảng Ninh

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.