Trang chủ / Thương mại / Xuất nhập khẩu - CKQT Móng Cái / Thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc gần cán mốc 100 tỷ USD

Thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc gần cán mốc 100 tỷ USD

2
In bài viết Chia sẻ:

Nửa đầu năm 2024, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 94,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD, tăng 34,7%. Nửa đầu năm, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 39,2 tỷ USD, tăng 67,9%.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc
Sầu riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc

Theo Bộ Công Thương, bất chấp những diễn biến khó khăn của kinh tế, thương mại toàn cầu, xung đột địa chính trị, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) thông tin, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này.

Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.

Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản, đặc biệt Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối…

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD. Năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.

Đến nay, có 12 mặt hàng rau quả; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng tốt.

Hiện nay, các cơ quan chức năng 2 bên đã và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi mở cửa cho hai mặt hàng này xuất khẩu chính ngạch, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao.

Tác Giả: Bảo Ngọc

Nguồn Tin: Báo Công Thương

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.