Trang chủ / Sản phẩm / Sản phẩm OCOP / Từ vùng đất khó thành thủ phủ cam vàng

Từ vùng đất khó thành thủ phủ cam vàng

33
In bài viết Chia sẻ:

Là vùng xa, đồi núi cách trở, ít ai biết Vạn Yên (Vân Đồn) giàu truyền thống cách mạng, gắn với lịch sử khai thác mỏ thời Pháp thuộc, nay đang chuyển mình mạnh mẽ, thành mảnh đất trù phú, thủ phủ cam vàng nức tiếng, thu hút du khách.

Nằm ở phía Đông Bắc, cách trung tâm huyện Vân Đồn khoảng 15km, Vạn Yên là xã giàu truyền thống. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Vạn Yên đã tham gia đánh đuổi bọn phong kiến phương Bắc xâm lược, anh dũng chống Pháp, tiêu biểu là khởi nghĩa Đề Hồng, Cai Thái (1890-1895)…

Vạn Yên xưa từng là khu mỏ thực dân Pháp khai thác than. (Ảnh: Khu vực cảng Vạn Hoa nhìn từ trên cao, ảnh tư liệu xã Vạn Yên).
Vạn Yên xưa từng là khu mỏ thực dân Pháp khai thác than. (Ảnh: Khu vực cảng Vạn Hoa nhìn từ trên cao, ảnh tư liệu xã Vạn Yên).

Thời Pháp thuộc, sau khi đánh chiếm khu mỏ năm 1884, Vạn Hoa (Vạn Yên) là nơi xây dựng sở chỉ huy, hạ tầng vận chuyển than để bắt đầu khai thác mỏ than đầu tiên ở Việt Nam: Mỏ Kế Bào. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, quần đảo Cái Bầu cơ bản được giải phóng nhưng vùng này vẫn chưa giành được chính quyền. Sau kháng chiến toàn quốc năm 1946, phong trào cách mạng được chú trọng xây dựng ở đây, làm cơ sở để tiếp quản, giải phóng vùng đất này khi quân Pháp rút năm 1954. Năm 1957, xã Vạn Yên được thành lập, vừa tái thiết lại vừa chiến đấu chi viện cho miền Nam, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 với nhiều chiến công.

Sau chiến tranh, Vạn Yên bắt đầu xây dựng lại quê hương. “Với truyền thống quê hương, các thế hệ lãnh đạo, nhân dân Vạn Yên đồng lòng, kiên cường, sáng tạo, bám đất, phát huy thế mạnh, phát triển Vạn Yên từ vùng đất khó thành vùng đất trù phú. Người dân Vạn Yên đã biết làm giàu, phát triển du lịch từ thế mạnh kinh tế rừng, vườn đồi, trong đó có cây cam đặc sản bản địa” – ông Phạm Huy Thành, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, chia sẻ.

Người dân bắt tay trồng cấy, phát triển kinh tế vườn, rừng, chú trọng cây cam bản địa. Bởi theo các cụ cao niên trong vùng thì Cái Bầu xưa là thủ phủ cam, một vùng trồng rộng lớn vàng rực cam nối từ các thôn 10/10 tới Cái Bầu và một phần nhỏ thôn Đài Mỏ. Thế nhưng khó khăn lại một lần nữa thử thách người dân Vạn Yên. Đó là vào những năm 1990, cây cam đặc sản do thoái hóa giống, sâu bệnh; sản lượng, chất lượng thấp nên bị chặt phá không thương tiếc, nhường chỗ cho cây keo và các cây trồng khác.

Cây cam bản địa được phục hồi, đem lại thu nhập cao cho người dân Vạn Yên.
Cây cam bản địa được phục hồi, đem lại thu nhập cao cho người dân Vạn Yên.

“Cả một vùng rộng lớn trồng cam trước kia như bị xoá sổ, bỗng chốc tan hoang. Khi đó, toàn xã chỉ còn lác đác vài hộ trồng cam, mỗi nhà còn lại vài cây mà có lẽ họ không buồn chặt đi. Tôi vẫn giữ lại chừng 10 gốc cam cổ và đi xin thêm về chiết cành, giữ giống, tìm cách chăm bón, phục hồi” – anh Trần Văn Hậu (HTX Nông trang Vạn Yên), hộ gắn bó với cây cam, chia sẻ. Có lẽ, sự kiên trì gìn giữ của những người như anh Hậu cùng sự quan tâm hỗ trợ, phục hồi, phục tráng mà giống cam Vạn Yên hồi sinh thần kì, lấy lại sức sống. Chất lượng quả cam cũng tăng, giá bán từ 5.000 đồng/kg (năm 2006) tăng lên 13.000 – 20.000 đồng/kg (những năm 2010) rồi 30.000 đồng/kg.

Vì thế, số lượng hộ trồng cam cũng tăng nhanh lên cả trăm hộ, lan khắp các thôn Cái Bầu, 10/10, Đài Mỏ. Toàn xã có 2 HTX lớn là HTX cam 10/10 và HTX Nông trang Vạn Yên, đổi mới canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, cam Vạn Yên được UBND tỉnh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.

Các HTX đã có thu nhập ổn định, mỗi hộ trồng cam thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm, có hộ đạt 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, sản phẩm cam Vạn Yên đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng “Đề án phát triển cây trồng bản địa”, trong đó có phát triển thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên.

Du lịch sinh thái là hướng đi mới, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở Vạn Yên.
Du lịch sinh thái là hướng đi mới, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở Vạn Yên.

Không chỉ vậy, những vườn cam tại Vạn Yên còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao, quảng bá cho sản phẩm OCOP của địa phương. Cam được trồng nhiều ở các thôn 10/10, một số ở thôn Đài Mỏ nhưng nhiều, rộng và đẹp nhất là ở thôn Cái Bầu. Một trong số đó là vườn cam 68 của hộ gia đình anh Trần Văn Hậu. Bên cạnh trồng giống cam bản địa, anh Hậu trồng thêm các giống cam mới lấy từ huyện Cao Phong (Hoà Bình), cam Canh, cam xã Đoài… thu hút cả nghìn lượt khách tham quan.

Rất nhiều vườn cam ở Vạn Yên có cách làm tương tự, trở thành điểm đến nổi tiếng. Không chỉ có không gian rộng rãi, thoáng đẹp, nhiều vườn cam rộng hơn còn có những gốc cam cổ thụ tạo bóng mát ven suối, ven sườn đồi, tạo không gian, bóng mát để du khách khám phá, leo trèo. Đây cũng là hướng đi đúng đắn, vừa tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương, vừa mở ra hướng khai thác giá trị cam Vạn Yên địa phương đề ra.

Tác Giả: Tạ Quân

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.