Thời gian qua, huyện Vân Đồn đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Các cơ sở đã chú trọng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, huyện Vân Đồn đã có 53 sản phẩm OCOP, trong đó có 41 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao.
Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi, là nơi có biển cả và núi rừng giao thoa hoàn hảo và là một trong những vựa hải sản lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Để giúp giải quyết tốt hơn nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo ra những giá trị mới từ những sản phẩm thô sẵn có tại địa phương; huyện Vân Đồn đã tuyên truyền, vận động, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tiến công nghệ, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn, chuyên sản xuất và chế biến các loại thuỷ hải sản sẵn có của địa phương. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, với mục tiêu sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao để xây dựng thương hiệu, Công ty đã lựa chọn các loài hải sản tươi ngon là đặc sản của địa phương như sá sùng, cá, tôm, mực, hàu sữa… Cùng với đó, đưa ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để thay thế thiết bị thủ công truyền thống vào phục vụ sản xuất như: Máy sấy, máy xay, chảo điện xao ruốc… để chế biến ra nhiều món ăn tiện lợi, giàu dinh dưỡng. Qua đó, ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm của Công ty. Năm 2023, Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn có 2 sản phẩm là ruốc hàu Vân Đồn và ruốc tôm Vân Đồn được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Chị Đỗ Thị Thuỳ, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn cho biết: Mỗi năm Công ty tiêu thụ được khoảng gần 6 nghìn lọ ruốc hàu, ruốc tôm. Để có được thành quả đó, Công ty đã gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhanh chóng tiếp cận và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các kênh bán hàng hiện đại như: Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử… giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn. Ngoài ra, Công ty còn tăng cường ứng dụng các giải pháp mới như livestream bán hàng, tham gia Hội chợ OCOP, kết nối cung – cầu trực tuyến, giúp phổ cập nhanh thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng. Các sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn vốn được biết tới là vùng trồng cam lớn nhất của huyện Vân Đồn. Được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây sở hữu không khí trong lành, mát mẻ cùng điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng cho sự phát triển của cây cam. Những năm qua, để đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Vạn Yên, các hộ dân, hợp tác xã đã tiến hành trồng, chăm sóc cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, nguồn phân bón được sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu. Đặc biệt, nguồn nước tưới cây được lấy từ các khe nước trong rừng sâu. Bởi vậy, cam Vạn Yên của huyện Vân Đồn nổi tiếng là một trong những loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh với vị thơm, ngon, ngọt. Loại nông sản này ngày càng được thị trường tiêu dùng địa phương cũng như các vùng lân cận ưa chuộng.
Bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10/10 chia sẻ: Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề trồng cam gần 20 năm. Cây cam đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và mang lại nguồn kinh tế ổn định cho những người nông dân xã Vạn Yên. Đến nay, cam của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trên mỗi sản phẩm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Huyện Vân Đồn xác định cam Vạn Yên là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho người dân từng bước xóa nghèo, vươn lên có của ăn, của để. Để bảo tồn giống cam bản địa, huyện đã mời nhiều chuyên gia từ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cây giống bằng công nghệ ghép để có hệ số nhân giống cao hơn… Bên cạnh đó, huyện cũng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thu hoạch cho các hộ trồng cam. Các hộ cũng đã mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp khoa học, kỹ thuật để chiết ghép, nhân giống mới như giống cam đường canh, giống V2. Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ trồng cam, với tổng diện tích khoảng 200 ha, tập trung ở các thôn: Đài Chuối, Đài Làng, Cái Bầu và thôn 10/10; mỗi năm cho thu hoạch trên 200 tấn cam. Với mức giá bán từ 35.000 – 50.000 đồng/kg (tuỳ loại), thu nhập của mỗi hộ dân trồng cam có thể đạt vài trăm triệu đồng/năm. Không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ nông sản địa phương, những người nông dân Vạn Yên còn mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình du lịch sinh thái tại ngay chính vườn cam của gia đình mình.
Có thể thấy, việc xây dựng sản phẩm OCOP tiêu chuẩn cao không chỉ giúp huyện Vân Đồn giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của địa phương, mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương. Để tăng giá trị đầu ra cũng như tạo thương hiệu riêng của doanh nghiệp cho các sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp cần tập trung theo hướng áp dụng khoa học và công nghệ, chế biến sâu, mở rộng các kênh phân phối, từ đó nâng tầm giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP, giải quyết đầu ra cho nông sản của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.