Thêm nhiều nghị định thư được ký kết, nhu cầu nhập khẩu của thế giới cao, giá nông sản xuất khẩu tăng; sản xuất công nghiệp cũng tăng cao là các yếu tố cho thấy xuất khẩu (XK) hàng hóa nhiều lạc quan trong các tháng cuối của năm 2024.
Mới đây, Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 Nghị định thư quan trọng, gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho XK các mặt hàng trên của Việt Nam, góp phần nâng giá trị XK hàng loạt mặt hàng nông sản Việt.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (Vinafruite), từ những nghị định thư được ký kết, dự báo XK sầu riêng có thể đạt 4 tỉ USD, XK dừa có thể có thể tăng thêm 200-300 triệu USD. Hiện tại, ước tính 8 tháng năm 2024, XK rau quả đã đạt 4,6 tỉ USD. Cùng với giá trị XK các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, dừa, chuối, thanh long, xoài, mít… tăng mạnh, kim ngạch XK rau quả năm 2024 có thể lập kỷ lục mới với tổng giá trị kim ngạch từ 7-7,5 tỉ USD.
Bộ NNPTNT cũng nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng XK hàng loạt mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam như: Caosu, gạo, cá tra, tôm, đồ gỗ… cũng nhiều dấu hiệu lạc quan. “Việt Nam có thể đạt kim ngạch XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ở mức trên 55 tỉ USD” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.
Bên cạnh lợi thế của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản hằng năm mang về giá trị thặng dư thương mại cao, dự báo XK các mặt hàng công nghiệp cũng lạc quan trong các tháng cuối năm. Ví dụ, đối với mặt hàng da giày, do ký được hợp đồng XK cho cả năm 2024, XK ngành này cũng đang thuận lợi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK giày dép trong 7 tháng năm 2024 đạt 10,147 tỉ USD, tăng 10,4%; XK túi xách đạt 1,621 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ kết quả trên, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu mang về 26-27 tỉ USD trong năm 2024 về XK giày dép.
Theo Bộ Công Thương, hiện tại, XK hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang hồi phục tốt. Dự báo XK dệt may năm 2024 có thể đạt mục tiêu XK 44 tỉ USD trong năm nay.
Mới đây, tại hội nghị giao ban “Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài” với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” – ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ – cũng dự báo XK mặt hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi mùa thu đông đang đến, cũng như “các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11.2024”.
Tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh sản xuất để kịp giao các đơn hàng đã ký kết. Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho biết: “Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết”.
Do vậy, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, quý III là thời điểm XK hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm, dự báo kim ngạch XK mặt hàng dệt may bình quân sẽ cao hơn các tháng trước đó, nên XK dệt may nhiều tín hiệu lạc quan trong tháng 9 và quý IV/2024. Các DN cũng đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết hợp đồng quý IV và đầu năm mới 2025.