Với một huyện còn nghèo khó như Ba Chẽ, nhưng cấp uỷ, chính quyền huyện đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương là một điều đáng quý, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng. Bởi trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới mạnh mẽ như hiện nay, không thể không quan tâm đến thương hiệu sản phẩm. Chúng ta đều biết, với những sản phẩm nổi tiếng trên thế giới thì riêng thương hiệu đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giá trị của sản phẩm. Và trên thực tế cũng đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng nhau giữa các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất về thương hiệu, tên nhãn mác sản phẩm.
Từ câu chuyện của Ba Chẽ, nhìn rộng ra toàn tỉnh, mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành liên quan, các đơn vị, doanh nghiệp đến người dân đều thấy sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, nhưng những kết quả đạt được còn rất hạn chế. Nhiều sản vật có tên tuổi trên địa bàn cũng như cả nước cần được bảo hộ và xây dựng thương hiệu chính thức như chả mực Hạ Long, gà đồi Tiên Yên, rau sạch Quảng Yên, tu hài, sá sùng Vân Đồn, hoa Hoành Bồ, na Đông Triều, vải chín sớm Uông Bí… cũng chưa được hoàn chỉnh. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của sản phẩm mà còn không tạo ra động lực để nó phát triển và mở rộng uy tín trên thị trường.
Quảng Ninh đang tập trung, nỗ lực tái cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng mô hình phát triển mới nhanh và bền vững hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến tăng trưởng xanh, phát triển dịch vụ. Vì vậy việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh trong lúc này là hết sức cấp thiết. Qua đó tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương phát triển, có uy tín trên thị trường…