Trang chủ / Thương mại / Xuất nhập khẩu - CKQT Móng Cái / Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

3
In bài viết Chia sẻ:

Triển khai nhiều giải pháp, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,…

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
Hết quý I/2024, xuất khẩu gạo thu về gần 1,4 tỷ USD

Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt như EU.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm, trong đó có gạo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực.

Về phía Bộ Công Thương đã tích cực triển khai một số giải pháp trọng tâm về điều hành xuất khẩu, phát triển thị trường trong năm 2023. Theo đó, trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân tổ chức các buổi họp, hội nghị để cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn trong năm.

Về công tác phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ theo dõi sát thông tin thị trường liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu nhóm hàng lương thực thực phẩm nói chung và gạo nói riêng, từ đó từng bước thiết lập kênh hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường đối với các địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến lập kỷ lục 4 tỷ USD trong năm nay.
Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Philippines, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới.

Theo đó, tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ với số lượng 300.000 tấn. Đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với số lượng hàng năm lên tới 1,5 – 2,0 triệu tấn gạo trắng.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo, hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.

Tổ chức các hội thảo tại địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất thóc, gạo hàng hóa lớn như: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang để tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tổ chức các đoàn giao dịch thương mại gạo trong năm 2023 tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc (thành phố Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu) nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo, quảng bá hình ảnh sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam đến người tiêu dùng.

Hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế. Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với năm 2023.

Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, quý 1/2024, lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore. Hiện chiếm hơn 32% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thành công danh mục sản phẩm xuất khẩu sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ.

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức: nguồn cung gạo toàn cầu giảm; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.

Để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Tác Giả: Nguyễn Hạnh

Nguồn Tin: Báo Công Thương

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.