Trang chủ / Văn bản QPPL / Bộ Tài chính: Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính: Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

22
In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Văn bản QPPL

Đại diện Bộ Tài chính cho biết hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà biến động chỉ số giá chưa đến mức 20% hoặc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025.

Bộ Tài chính cho biết chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh: T.T.D
Bộ Tài chính cho biết chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh – Ảnh: T.T.D

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp thường kỳ quý 1, được Bộ Tài chính tổ chức chiều 29-3, ông Trương Bá Tuấn – phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí – cho biết căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%.

Chỉ số giá biến động chưa đến 20%

Cụ thể, theo ông Tuấn, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Từ năm 2009, khi luật thuế này có hiệu lực thi hành đến nay, Bộ Tài chính luôn chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tế.

Mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng.

Năm 2012, trên cơ sở đánh giá tình hình, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.

Qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ chưa biến động đến mức 20%. Nên thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Tuấn thông tin lộ trình là năm 2025 như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Khi sửa đổi luật này, chúng tôi sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh…”, ông Tuấn cho biết.

Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 vừa qua, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Về vấn đề này, các chuyên gia đề xuất mức giảm trừ gia cảnh hiện quá lạc hậu so với tình hình thực tiễn, gây khó khăn cho người nộp thuế.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Tú – chuyên gia về thuế – kiến nghị trong bối cảnh suốt hơn 2 năm bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, rồi đến hiện kinh tế còn nhiều thách thức, đời sống người lao động nói chung và người nộp thuế nói riêng có nhiều khó khăn.

Do đó, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ góp phần động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung ý kiến khi cho rằng việc xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là cần thiết, để đảm bảo hài hòa với những biến động trong mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng của người nộp thuế.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu và đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh trước khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng vẫn là tiêu chí quan trọng, song cần cân nhắc thêm những yếu tố khác để đảm bảo tính toàn diện và khách quan. Đơn cử như các yếu tố về mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân, chi tiêu hộ gia đình, tỉ lệ lạm phát hằng năm…

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Lê Thanh

Nguồn Tin: Báo Tuổi Trẻ

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.