Trang chủ / Tin tức / Hỗ trợ doanh nghiệp / Livestream bán hàng – “cánh tay nối dài” giúp sản phẩm OCOP Quảng Ninh vươn xa

Livestream bán hàng – “cánh tay nối dài” giúp sản phẩm OCOP Quảng Ninh vươn xa

6
In bài viết Chia sẻ:

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh đang đẩy mạnh hoạt động livestream, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Địa phương nhập cuộc mạnh mẽ

Hiện nay, sự bùng nổ livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn thu lớn trong cho các doanh nghiệp và tiểu thương.

Ông Bùi Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua với nhiều sản phẩm được quảng bá phong phú, đa dạng. Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người dân không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình.

“Quảng Ninh là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, nên việc đẩy mạnh hoạt động livestream quảng bá sản phẩm là cần thiết và phải gắn với việc tuân thủ kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện nay, cùng với việc bán hàng trực tiếp, hoạt động livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đang dần sôi động hơn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động trong việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và livestream sản phẩm trên các kênh bán hàng.

Livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My
Livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Mới đây, tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024, hoạt động hỗ trợ livestream trên nền tảng số đã được tổ chức tại Khu gian hàng thương mại điện tử và giải pháp số. Đây là nét mới trong kỳ hội chợ lần này, giúp đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm.

Đặc biệt, sau lễ khai mạc, ông Nghiêm Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tham gia vào phiên livestream bán sản phẩm OCOP thông qua nền tảng TikTok.

Ông Vũ Văn Thương – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn DST cho biết, tại kỳ hội chợ này, công ty phối hợp cùng với các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP tổ chức livestream hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên gian hàng TikTok Shop.

“Tại đây, chúng tôi đã thực hiện livestream cho hơn 10 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm livestream được đảm bảo về các khâu an toàn thực phẩm, kiểm định và số lượng đơn hàng để chốt đơn”, ông Thương nói và mong muốn rằng, thời gian tới, hoạt động livestream sẽ thực sự là cầu nối hữu ích để giúp cho người dân, doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, vào ngày 23/5/2024, với mục tiêu tăng cường truyền thông quảng bá về quả vải chín sớm Phương Nam, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh tổ chức 2 phiên livestream giới thiệu về sản phẩm này tại vườn, cũng như kết hợp trong chương trình Tuần hàng Việt Uông Bí 2024. Mỗi phiên livestream kéo dài khoảng 1 tiếng.

Qua các phiên livestream đã thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và tương tác, qua đó đưa quả vải chín sớm Phương Nam tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, đồng thời mở ra cho bà con nông dân vùng vải chín sớm kênh quảng bá, bán hàng mới, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Ông Bùi Văn Trà – Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam (TP. Uông Bí) chia sẻ: Đối với người nông dân, kênh bán hàng qua thương mại điện tử thực sự là hướng đi rất mới mẻ, nhưng có thể thấy được tiềm năng và thế mạnh của nó. Năm nay, nhờ việc livestream mà quả vải chín sớm Phương Nam được người dân trong và ngoài nước, nhất là những người trẻ biết đến nhiều hơn. Giá trị kinh tế cũng hiệu quả hơn, mỗi cân vải có thể bán được từ 50.000-60.000 đồng, trong khi bán theo hình thức truyền thống thường là từ 35.000-40.000 đồng/kg.

Đa dạng phương thức hỗ trợ

Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong 2 năm qua, tỉnh tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Cuối năm 2024, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh cũng được nâng cấp với nhiều tính năng hiệu quả hơn.

Một buổi livestream bán hàng tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.
Một buổi livestream bán hàng tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại các hội chợ OCOP khu vực phía Bắc – Quảng Ninh, Hội chợ OCOP Quảng Ninh, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và VNPT, 13 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại – dịch vụ tham gia hoạt động thương mại điện tử gắn với các hình thức bán hàng trực tuyến; Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương triển khai các chương trình, tuần lễ xúc tiến, bán sản phẩm OCOP ở các địa phương gắn với hoạt động livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Ông Nguyễn Kiên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh cho biết: Cùng với quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, thì livestream bán hàng cũng đang là xu hướng và được triển khai mạnh mẽ. Những lợi ích từ việc livestream thời gian qua đã giúp ích không nhỏ cho doanh nghiệp, khách hàng, nâng cao uy tín của các sàn thương mại điện tử. Đây là hoạt động hữu ích để hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh lên các sàn thương mại điện tử uy tín, phối hợp livestream giới thiệu sản phẩm và đổi mới hoạt động, hình thức tổ chức các hội chợ, triển lãm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, khóa tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến để bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh chính đáng cũng như người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tác Giả: Khôi Nguyên

Nguồn Tin: Báo Công Thương

guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Khi bạn tiếp tục duyệt trang web này, bạn đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng cookie.