Là tỉnh đầu tiên trong nước thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đến nay các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được đánh giá có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong nước. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ trong khu vực và quốc tế.
- Từ 30/11 đến ngày 4/12/2023 sẽ diễn ra Hội chợ Thương mại và Du lịch quốc tế Việt – Trung lần thứ 15
- Khai mạc Tuần hàng Việt về huyện Ba Chẽ năm 2024
- Mời tham dự lớp tập huấn “Kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử cho các DN/HTX ở miền Đông tỉnh Quảng Ninh”
- Vận động doanh nghiệp ủng hộ việc tổ chức Tuần du lịch Hạ Long – Quảng Ninh 2012
Trong lộ trình phát triển sản phẩm OCOP, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, mang hiệu quả đáng ghi nhận. Điển hình, từ cuối năm 2020, Sở NN&PTNT triển khai ứng dụng mã QR Code đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, OCOP trên địa bàn tỉnh, giúp đảm bảo chất lượng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Chỉ cần quét mã bằng điện thoại khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nắm được đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất, ngày giờ cung ứng sản phẩm ra thị trường, độ an toàn… Đến nay 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, Chè Hằng Nga, Vịt trời Hải Hà, Nấm kim châm Đông Triều, Miến dong Bình Liêu, Nước khoáng Quang Hanh, Trà hoa vàng Quy Hoa…
Tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương. Đến nay tỉnh đã hỗ trợ trên 4,6 tỷ đồng phát triển sản phẩm OCOP về xây dựng website quảng cáo, bán hàng, sản xuất, xây dựng hệ thống quản lý ISO, HACCP, GMP…; hỗ trợ khuyến công các địa phương đầu tư về cơ sở, máy móc chế biến sản phẩm OCOP cho 19 dự án, kinh phí trên 4,3 tỷ đồng. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP chủ động triển khai, áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hằng năm tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời tạo thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực, để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh chú trọng nâng hạng sao cho sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP 5 sao mang nét đặc trưng, tiêu chuẩn, chất lượng cao và có giá trị xuất khẩu. Từ đó góp phần nâng tầm OCOP địa phương, xây dựng thương hiệu đặc trưng, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Đến nay Quảng Ninh đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ NN&PTNT thẩm định, là: Trà hoa vàng Ba Chẽ (Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh); Ruốc hàu (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh); Rượu mơ Yên Tử (Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ và Thương mại Thăng Long); Nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh (Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh); Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chè giảo cổ lam Đông Bắc 7 lá , Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên An đường Đông Bắc (Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc).
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh cho biết: Vinh dự với sản phẩm nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh được lựa chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu xét nâng hạng 5 sao cấp Quốc gia, chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ theo đúng quy trình gửi đi thẩm định và đang chờ kết quả. Công ty mong muốn sản phẩm sẽ đạt được 5 sao để góp phần “nâng tầm” cho các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh, giúp thương hiệu OCOP Quảng Ninh từng bước vươn xa hơn. Cùng với đó, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc phát triển sản phẩm, đẩy mạnh làm thị trường, nâng cao sản lượng tiêu thu, để từng bước có thể hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 339 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao, với 293 sản phẩm 3 sao, 93 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 5 sao; có 218 chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, với 55 doanh nghiệp, 89 HTX, 74 hộ sản xuất. Hầu hết các sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì, nâng cao được các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm; 100% các sản phẩm OCOP 3-5 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử https://www.ocopquangninh.com.vn ; bao bì, tem nhãn từng bước được cải tiến, nâng cấp và in đầy đủ thông tin theo quy định.
Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phát biểu tại cuộc họp sơ kết thực hiện Chương trình OCOP 7 tháng năm 2024, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình OCOP tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ và tuyên truyền sâu rộng đến các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đi sâu, tập trung phát triển quy hoạch vùng trồng sản xuất, kiểm soát, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao chất lượng đội ngũ theo dõi OCOP…Tiếp tục rà soát triển khai hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH theo Nghị quyết số 111/2024/QH15, để phát triển sản phẩm OCOP. Rà soát toàn diện, định vị đúng sản phẩm OCOP chủ lực để tiến đến sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường chuẩn hóa các quy trình sản xuất nguyên liệu chế biến, đóng gói gắn với sở hữu trí tuệ. Đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến nông, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm vào các điểm bán hàng; gắn chuyển đổi số với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP…